Cô Hạnh Dung thân mến,

Cháu với anh mới quen nhau được 6 tháng, mà lễ 30/4 này anh đã rủ cháu về nhà anh chơi. Nhà anh ở xa, anh bàn với cháu là anh sẽ về trước, vì công ty anh cho nghỉ lễ sớm, còn cháu về sau.

Cháu thấy như thế không tiện, vì cháu muốn anh đưa cháu cùng về. Cháu muốn anh tới nhà xin phép ba mẹ đưa cháu về quê. Nhưng anh cũng không chịu. Anh nói về chơi cho biết gia đình thôi, chưa có gì chính thức, sao phải xin phép ba mẹ?

Cháu thấy ngại, làm vậy cứ như là mình tự đi tới, tự xông vào nhà người ta. Liệu rồi ba mẹ anh có cho rằng cháu và gia đình cháu dễ dãi quá không?

Hạ Lan

leftcenterrightdel
 

Cháu Hạ Lan thân mến,

Nói chung là chẳng có quy định nào cho việc bao giờ ra mắt gia đình người yêu, ra mắt theo kiểu gì, lễ nghĩa ra sao, có phải xin phép gia đình hai bên... hay không. Những việc thế này sẽ tùy vào từng mối quan hệ, từng phong cách sống của các gia đình.

Ngày xưa, lễ "ra mắt" là một nghi lễ vô cùng quan trọng trong việc dựng vợ, gả chồng cho con cái. Nó là buổi họp mặt đầu tiên của gia đình hai bên, nhằm mục đích tìm hiểu và chuẩn bị hôn nhân cho con cái.

Ngày nay, giới trẻ sử dụng hai từ "ra mắt" cho việc lần đầu tiên đưa bạn gái, bạn trai về để gia đình biết mặt, biết rằng mình đang có tình cảm với ai đó, để chia vui, góp ý, hay để cả nhà chuẩn bị tinh thần cho việc gia nhập một thành viên mới của gia đình.

Có những cặp đôi đã là bạn bè từ trước khi yêu nhau, nên đã biết gia đình, cha mẹ của nhau từ trước. Họ không còn phải băn khoăn chuyện ra mắt, xin phép, vì mọi chuyện đã diễn ra tự nhiên.

Cũng có những cặp đôi yêu nhau, tìm hiểu trong thời gian dài, đến khi cảm thấy tình yêu đã đủ gắn bó, thì họ mới đưa nhau về ra mắt gia đình, để xin phép được tìm hiểu nhau, yêu nhau...

Dù là cách nào, thì tình cảm của cả hai cũng phải được xác định một cách chắc chắn, rồi mới ra mắt gia đình. Bởi sau cuộc ra mắt này, thì ít nhiều mọi người cũng sẽ bắt đầu có cảm giác thân thuộc hơn, và chuẩn bị cho việc thân hơn nữa.

Vì thế mà khi người yêu cháu nói "chưa có gì chính thức", Hạnh Dung hơi thấy băn khoăn. Việc đưa cháu đi về quê của anh ấy, khiến cháu phải "thân gái dặm trường", sao lại về trước, về sau? Lỡ dọc đường đi, cháu có việc gì thì sao?

Thêm vào đó, rủ cháu đi xa như thế, anh ấy đáng ra phải chủ động đến xin phép ba mẹ cháu, nó như một sự đảm bảo, chịu trách nhiệm về việc cháu được "đi tới nơi, về tới chốn" của người yêu cháu chứ.

Cho dù là chỉ về chơi, thì đây cũng là dịp để ba mẹ anh ấy biết cháu. Thế nhưng anh ấy xác định "chưa có gì chính thức", thì có nghĩa là mọi chuyện có thể thay đổi sau cuộc gặp gỡ này chăng? Là nếu ba mẹ anh ấy không ưng ý, thì không bao giờ chính thức hay sao?

Tất cả những thắc mắc mà Hạnh Dung nêu ra, cháu nên giải đáp đầy đủ rồi mới quyết định đi hay không, cháu nhé. Cần phải thấy việc người yêu đưa cháu về quê là với sự trân trọng mối quan hệ tình cảm với cháu, và phải chăm lo cho cháu được bình an, được cả nhà vui vẻ chào đón.

Nếu tâm trạng không tốt, không cảm thấy yên tâm, cháu hãy bảo anh ấy rằng khi nào "chính thức yêu nhau, và anh ấy sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc đưa cháu về quê", thì hãy tính tới chuyện đi xa như thế.

Theo phụ nữ TPHCM