Chị Hạnh Dung kính mến,
Chồng tôi mất sớm, tôi về hưu đã 7 năm. Có thể nói, tôi là người “viên mãn" đường con cái nhất so với các anh chị em trong nhà. Các con tôi đều hiếu thảo, chăm chỉ làm ăn, vợ chồng thuận thảo. Nhưng bây giờ, chính niềm hạnh phúc này lại làm tôi mất ngủ.
Ba má tôi đều đã mất, căn nhà bây giờ là nơi tề tựu của con cháu mỗi dịp đám giỗ, lễ, tết. Căn nhà cũ đã xuống cấp. Mỗi lần về, anh em tôi hay đùa nhau là “nhà mình giờ nghèo nhất xóm", dù thực chất điều kiện của mấy anh em khá tốt so với láng giềng. Chỉ là, vì ba mẹ đã mất, căn nhà không có người ở nên không có động lực để nâng cấp.
Năm nay, anh đầu của tôi quyết tâm xây mới lại căn nhà của ba má, để con cháu có chỗ ở tươm tất trong những lần tề tựu. Chị em tôi khá phấn khởi. Anh kêu gọi các cháu đóng góp. Mức đóng góp dự kiến chừng 50 triệu đồng/người.
Nhưng khi tôi nói ra lời kêu gọi này, cậu con út bảo kinh tế gia đình đang rất khó khăn, e là sẽ không đóng góp được như má và cậu kỳ vọng. 2 đứa con lớn của tôi cũng “hờ hững" tương tự, với lý do đang khó khăn, làm ăn nhiều trở ngại. Đặc biệt, cậu con đầu còn nói “nhà của ông bà ngoại bây giờ không có ai ở nên chưa cần thiết phải đập đi xây lại”.
Không ngờ tôi lại “thua trắng" trong việc kêu gọi các con của mình. Việc này làm tôi buồn và mất ngủ cả tuần nay. Tôi không biết nên nói thế nào với các anh em tôi. Chắc hẳn, mọi người cũng sẽ thất vọng và thậm chí có thể nghĩ không tốt về các con tôi.
T. Hương (TP.HCM)
Chị T. Hương mến,
Có lẽ, nếu thực sự yêu thương và lắng nghe con cháu, các dì và các cậu sẽ không vì chuyện này mà hiểu sai về tấm lòng của các cháu. Nhưng chị cũng cần lựa lời trao đổi để tránh những đụng chạm, hiểu lầm. Đặc biệt, bản thân chị cần thông suốt để không thất vọng, mà ngược lại cần chia sẻ và thấu hiểu cùng con.
Có 2 thực tế cần ghi nhận. Một là các cháu đang không có điều kiện để đóng góp xây nhà ông bà ngoại. Hai là có cháu xem việc xây lại một ngôi nhà không ai ở chưa hẳn cần thiết.
Chị đã không dự liệu việc các con mình khó khăn đến mức không có số tiền như vậy để đóng góp cho chuyện họ hàng, không nghĩ con mình lại xem việc xây nhà ông bà ngoại là “không cần thiết". Nhưng, ta vẫn cần ghi nhận những chia sẻ của con để hiểu, chia sẻ ngược lại với cháu.
Chị hãy để các con chia sẻ thêm về quan điểm trong việc xây nhà. Tại sao theo cháu việc đó lại “chưa cần thiết"? Dù có thể quan điểm ấy trái ngược với chị, nhưng việc cháu thẳng thắn chia sẻ là đáng mừng.
Hãy lắng nghe đến cùng, biết đâu điều ấy có ích, bởi chưa chắc dự định của người lớn thực sự phù hợp với tình hình kinh tế chung của cả đại gia đình. Hơn nữa, việc lắng nghe sẽ giúp chị tiếp cận sâu hơn với suy nghĩ của con, thay vì chỉ tiếp xúc ở mức độ của một quan điểm.
Hãy chia sẻ với cháu về những khó khăn mà cháu đang gặp phải. Dường như chị không biết về những khó khăn này nên đã không dự liệu được khi kêu gọi các con đóng góp.
Giai đoạn này, ai cũng có thể gặp khó khăn về kinh tế. Vậy nên, ngay cả khi đang có một khoản tiền, các cháu cũng sẽ ưu tiên cho những nhu cầu cấp thiết hơn và những dự định thiết thân hơn.
Chị hãy bỏ xuống những thất vọng, hãy giữ niềm tin vào sự hiếu hạnh vốn dĩ ở các con, để tiếp cận các con lần nữa. Hãy nghe các cháu chia sẻ về suy nghĩ, khó khăn hay có thể là tầm nhìn của các cháu với dự định của bản thân, của gia đình, họ hàng. Có thể, chính chị sẽ có những thông tin hữu ích để hiểu hơn về con và cả về những dự định chung của đại gia đình.
Khi đã hiểu, chị sẽ có cách chia sẻ lại với anh, em của mình để cùng thông suốt, tránh những hiểu lầm, bất hòa không nên có.
Theo phụ nữ TPHCM