“Ủa chồng chị đâu mà phải làm mấy việc này?”. Câu ấy, chị Nga nhiều lần phải đối diện, lúc đi dò giá hỏi mua bột trét tường, sơn nước hay khi gọi điện kêu thợ sắt tới cân đo cái mái của giếng trời. Nhất là đám thợ hồ, thợ điện, thợ nhôm kính… của giai đoạn hoàn thiện nhà, họ thường xuyên nhìn chị với ánh mắt dò hỏi.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Kiểu như, người đàn bà này chắc phải mạnh mẽ ghê gớm lắm thì mới có thể mỗi ngày đứng điểm danh thợ làm lụng, chốc chốc lại chạy đi mua các thứ cần thiết cho công đoạn cuối cùng của ngôi nhà với tốc độ khó tin. Mà toàn là mấy chủng loại hàng hóa xa lạ với cánh chị em, vốn thường mặc định chỉ quen với chợ búa, bếp núc, nhiều lắm thì máy tính văn phòng và các nơi sạch đẹp, mát mẻ.

Người ngoài không biết, dễ cho rằng số chị Nga khổ, vất vả, bị chồng thờ ơ đẩy cho việc nặng không lương. Ngay cả chị Nga đôi khi cũng cảm thấy bực mình với ông chồng có phần chậm chạp, tỉ mỉ cầu toàn một cách không đáng của mình. Việc gì giao vào tay anh thì cũng yên tâm, nhưng phải lâu lắm mới hoàn thành, lại thêm cái sự đắn đo cân nhắc dài dòng, thêm mệt. Chị cuối cùng tự mình quyết định cho xong, chứ đợi anh thì trễ tiến độ.

Tiền bạc thì vợ chồng đã thống nhất từ đầu, khi dự trù kinh phí cho căn nhà cấp 4 đã xuống cấp. Anh cứ đi làm như cũ, chị cố gắng thu xếp công việc tự do của mình để cáng đáng thêm mấy tháng xây nhà.

Thực ra chồng chị cũng thi thoảng xuất hiện, leo lên cầu thang còn đang bụi bặm tít mù và chưa hề lát đá, lên tới tận sân thượng, chăm chú quan sát, đánh giá các thứ. Có hôm còn cầm thước dây ra đo đạc, lẩm bẩm này nọ về kỹ thuật, rồi sau đó là màn… chỉ đạo, chữ chị hay dùng lúc bực. Chứ chồng chị chưa chắc đã có ý đó.

Dù không nói ra nhưng anh thừa hiểu, một người phụ nữ mà phải coi ngó chừng ấy việc, thật không đơn giản. Cũng chẳng một lời khen ngợi hay tỏ ra ngưỡng mộ gì, nhưng anh cũng biết vợ mình giỏi giang nhanh nhẹn, quyết đoán và nắm bắt nhanh.

Chị Nga lại sở hữu kha khá mối quan hệ chất lượng, bạn bè thuộc nhiều giới, có thể tư vấn, nhờ vả và tin cậy được. Đấy cũng là những điều mà anh thầm hiểu, bản thân mình không có, nên dù muốn cũng phải e dè khi nhìn khối lượng trăm thứ phải lo của căn nhà đang ở các bước cuối cùng.

Tối nào vợ cũng cặm cụi với giấy tờ, hóa đơn mua bán và bảng tính, chia cột cẩn thận, ghi chú lại số lượng vật tư, giá cả, ngày giao hàng, chuyển khoản… Xong thì gọi chỗ này càu nhàu mấy câu, chỗ kia hối thúc nhắc nhở, trao đổi thương lượng với cai thầu… y như một “nữ cường” thứ thiệt.

Chồng chị Nga ít khi dám xen vào câu nào, bởi biết tính vợ có đôi chút nóng nảy, anh mà hơi lỡ tỏ ra chỉ trích hay phân bua cho ai là mệt với vợ. Chị sẽ chì chiết, bắt bẻ, kể khổ ngay; rồi có khi kết bài bằng cách chốt hạ “Anh có giỏi thì ôm vào làm đi” là hỏng bét. Biết thế, nên anh cứ bơ đi cho lành, vừa yên cửa yên nhà, vừa được việc; chứ có giọng anh vào, thêm ồn ào mà có khi còn chẳng tới đâu.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

“Ảnh bận việc công ty quá, với lại tui cầm tiền nên chủ động chạy nguyên vật liệu khâu cuối cho nhanh. Đàn bà quyết định màu gạch, màu cửa kính, chọn mua bồn rửa chén, vòi sen hay các loại đèn trang trí cũng là hợp lý mà. Có gì đâu mà phải ngạc nhiên thắc mắc nhỉ!”.

Lời nhẹ nhàng mà hợp lẽ của chị Nga khiến cánh đàn ông thợ thuyền ra vào đều tâm phục khẩu phục. Bởi hiếm có bà vợ nào mà không tranh thủ than van, lên mặt, thậm chí kể xấu chồng trong tình huống này. 

Chỉ là sau lưng chị Nga, họ lén lút bình phẩm thêm: “Công nhận ông chủ nhà này số hưởng, chẳng phải lo toan gì mà vẫn có nhà mới ngon lành để ở”. Nhưng một người khác, tỏ ra sâu sắc và trải đời hơn đã nêu nhận xét: vậy chứ làm chồng của một chị dám tự mình lo hết chuyện xây nhà, cũng áp lực lắm, cũng quê chứ không đùa đâu nha. 

Theo phụ nữ TPHCM