Lần thứ ba trong tuần, chồng nhắc tôi đi bán vàng cưới để cho anh trai của anh ấy mượn tiền. Tôi rất khó chịu, bởi chúng tôi mới cưới nhau được gần một năm, công việc vừa ổn định với mức lương cơ bản, tiền đâu mà cho mượn!

Tôi nói để tôi suy nghĩ thêm đã, nếu có mượn thì chỉ khoảng 50 triệu đồng chứ không thể dốc hết vốn liếng, khi có việc cần thì không biết xoay xở thế nào. Vậy mà chồng tôi không đồng ý, nhất quyết buộc tôi phải cho người anh chồng mượn 100 triệu đồng trở lên.

Chồng nói tôi ích kỷ tính toán với nhà chồng vì do dự khi cho anh trai mượn tiền. (ảnh minh họa)
 
Chồng nói tôi ích kỷ tính toán với nhà chồng vì do dự khi cho anh trai mượn tiền (ảnh minh họa)

Nhà chồng có 4 anh em trai, chồng tôi là con út. Hai anh trai lớn đã có nhà cửa ổn định, anh thứ 3 lập gia đình được 4 năm và chuẩn bị ra riêng. Theo sắp xếp, ngôi nhà cha mẹ chồng sẽ là của chúng tôi khi vợ chồng chuyển về quê làm việc.

Hiện tại tôi và chồng đều làm ở thành phố và phải thuê nhà trọ để ở. Trước khi cưới, tôi và anh có một khoản tích lũy chung 120 triệu đồng đang gửi tiết kiệm. Cưới xong, chúng tôi có thêm 3 cây vàng cưới. Đó là tất cả những tài sản của chúng tôi ngoài 2 chiếc xe tay ga mua từ thời độc thân. Nếu tính tương lai lâu dài, tôi muốn mua nhà ở thành phố để tiện công việc và có điều kiện cho con cái sau này học hành.

Chồng tôi kể, gia đình anh rất thương yêu đùm bọc nhau. Lúc anh trai đầu mua nhà, mỗi người góp tiền cho mượn rồi anh thứ hai cũng vậy, nhưng khi đó chồng tôi đang đi học nên không có tiền cho mượn.

Giờ đến lượt anh thứ ba mua nhà, anh đầu cho mượn 300 triệu đồng, anh thứ hai 200 triệu đồng và chồng tôi muốn cho mượn 100 triệu đồng. Anh phân tích, sau này chúng tôi mua nhà, mọi người sẽ góp cho mượn như thế, rất tiện lợi. Tuy nhiên tôi thấy chuyện này thật mông lung, vợ chồng anh trai thứ ba chỉ tích lũy được 600 triệu đồng nhưng dự tính mua nhà hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài số tiền vay mượn anh em họ hàng không tính lãi, phần còn lại thế chấp căn nhà cha mẹ chồng để vay. Khi tôi băn khoăn thời điểm trả tiền thì chồng khẳng định chắc nịch: “Anh chị hứa 5 năm sau sẽ trả đầy đủ”. Thêm nữa, chuyện mượn tiền được anh em nhà chồng bàn bạc với nhau, sau đó chồng thông báo lại, chứ vợ chồng anh chị chưa từng mở lời với tôi. Vì thế tôi thấy mình không được tôn trọng.

Tôi lấy lý do rút tiết kiệm trước hạn sẽ mất lãi để trì hoãn chuyện cho mượn tiền. Nhưng chồng tôi hối thúc, anh nói bán vàng cưới cho mượn cũng được. Phải nói thêm rằng, số vàng cưới chủ yếu do nhà ngoại cho còn nhà nội rất ít. Tôi nghĩ, vàng cưới chỉ đem đi bán khi có việc cấp bách còn để làm vốn phòng thân.

Tôi không biết làm thế nào cho hợp lý vì lo sợ tương lai tiền của mình vào tay người khác dù anh em ruột vẫn không thấy yên tâm. (ảnh minh họa)
Tôi lo sợ tiền của mình vào tay người khác, dù anh em ruột vẫn không thấy yên tâm (ảnh minh họa)

Tôi tham khảo ý kiến những người thân thiết, họ đều khuyên không nên cho mượn số tiền nhiều. Nếu không từ chối được thì chỉ cho mượn mấy chục triệu gọi là. Dù anh em trong nhà, nhưng tiền của mình vào tay người khác sẽ không biết đi về đâu. Trước mắt, vợ chồng tôi có nhiều việc phải lo, lại chưa có con cái trong khi bươn chải kiếm tiền ở thành phố không dễ...

Khi tôi phân tích cho chồng hiểu thì anh trách tôi ích kỷ tính toán với nhà chồng. Bây giờ không cho mượn hoặc cho mượn ít, đến khi chúng tôi cần mua nhà sẽ không ai hỗ trợ nữa. Tôi thật sự băn khoăn, không biết làm thế nào để khỏi mang tiếng với nhà chồng vừa bảo toàn được số vốn liếng ít ỏi của mình.

Theo phụ nữ TPHCM