leftcenterrightdel
Mẹ mang một hình ảnh khác hẳn trên mạng xã hội (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) 

Mẹ con rất đoan trang, thanh lịch, lúc nào cũng từ tốn, chuẩn mực. Gần đây, con lập nick ảo “tàu ngầm” hội bạn phổ thông của mẹ và té ngửa khi biết bộ mặt thật của mẹ mình trên mạng xã hội. Mẹ “chém gió” quá “mặn” với các chú, chê bai sếp kém chuyên môn, đăng những dòng thả thính sến rện nhưng lại nghi ngờ ba con có bồ và chửi mắng cả những người khuyên can… 

Con ghét mẹ, lầm lì khi mẹ hỏi han, chăm sóc. Sống bên mẹ 15 năm, con vẫn không hiểu nổi nhân cách thứ hai của mẹ.

Nam sinh lớp Chín (Q.3, TPHCM)

Cách đây khoảng chục năm, các trò chơi trực tuyến đã tạo ra “thế giới ảo cấp độ một” ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi, lối sống của các bạn nhỏ và lứa tuổi vị thành niên. 

Nay thì mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter, TikTok…) đang tạo ra “thế giới ảo cấp độ hai” tác động lên người lớn khiến họ ngày càng mất dần khả năng phân định, bị “trí tuệ nhân tạo” dẫn dắt đến nỗi rơi vào cõi ảo, lẫn lộn thật - giả.

Người dùng mạng nhanh chóng nhận ra: Thường thì các dòng trạng thái/hình ảnh về những điều giật gân, sexy, xấu xí, thô bạo… thu hút nhiều like (lượt thích), view (lượt xem) hoặc “hút còm” (comment/bình luận) nên khá nhiều người đã dùng chiêu này để gây chú ý, tăng tương tác. Khi các phụ huynh say sưa “chém gió” trong thế giới của người lớn, họ đâu ngờ các con đang âm thầm “canh me” mình, theo dõi từng đường đi nước bước của mình.

Các chú hươu non tâm lý còn chưa vững vàng, dễ bị tác động. Khi tò mò vào các nhóm kín của cha mẹ, hươu dễ hết hồn trước những hành vi lệch chuẩn, những lời bình chợ búa của người lớn.

Một số nhà tâm lý nhận định, trong một môi trường dễ ẩn danh, không tiếp xúc trực tiếp, không gặp mặt, người dùng mạng xã hội có một sự tự do rất lớn khiến họ có cách hành xử khác hẳn với cách đang thực hiện ngoài đời. Người ta dễ trở nên độc ác hơn, có thể xúc phạm, tấn công người khác mà không cảm thấy cắn rứt lương tâm; người ta cũng tự cho phép mình có quyền suồng sã, tục tĩu; người ta xả hết các ẩn ức trong cuộc sống thường ngày trong các nhóm kín, “chỉ bạn bè tôi”… mà không ngờ rằng có thể bị “ai đó” phát hiện ra cách đối nhân xử thế của họ chẳng tương ứng với những gì họ rao giảng và thể hiện ở đời thực.

Cũng có nhiều bậc cha mẹ coi Facebook là một kênh giáo dục; là nơi thể hiện thái độ, quan điểm, hành vi trong mọi mối quan hệ bên ngoài gia đình, từ công việc đến vui chơi, giải trí với hàng xóm láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp và những người khác trên không gian mạng.

Họ làm gương cho con khi giao tiếp, ứng xử, tương tác trên mạng xã hội: Mọi bình luận phải khách quan, chân thành và tế nhị; tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp; có trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình; tìm hiểu kỹ/kiểm chứng các nguồn thông tin trước khi đem về trang cá nhân; không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, thiếu chuẩn mực hoặc ác ý.

Cha mẹ cũng tăng cường bảo mật thông tin cá nhân, mật khẩu, đặt chế độ xem phù hợp. Có như vậy, mỗi bài viết, mỗi clip con cái đọc được trên trang của cha mẹ mới không vi phạm đạo đức, lối sống. 

Cháu hãy cất đi bộ mặt lầm lì, bất hợp tác làm không khí gia đình bị dồn nén, chọn lúc thích hợp nhẹ nhàng nói chuyện với mẹ. Biết đâu mẹ cháu hơi quá đà khi quay trở về với hội bạn thời trẻ trâu, hoặc gà mờ về công nghệ nên không biết mấy kỹ thuật bảo mật hay coi đó là chỗ xả xì-trét để phơi hết con người của mình ra…

Cháu hãy xung phong “tập huấn” cho mẹ vài “chiêu’’ cơ bản. Cũng cần lường trước tình huống mẹ cháu bị chạm tự ái, tuyên bố tịch thu điện thoại, máy tính và siết chặt giờ vào mạng của cháu.

Tuy vậy, thà như thế còn hơn để tình cảm mẹ con đi vào ngõ cụt. Rồi từ từ mẹ sẽ hiểu ra và vui mừng trước sự trưởng thành của con trai.

Theo phunuonline