Chị Hạnh Dung thân mến,

Con trai tôi 45 tuổi, từng phải chi rất nhiều tiền để làm thụ tinh trong ống nghiệm mới có con. Vì thế, cháu rất yêu con gái, chiều vợ.

Cách đây 3 năm, con tôi biết vợ ngoại tình, nhưng vì con gái còn quá nhỏ và còn thương vợ nên con tôi tìm cách níu kéo. Cô vợ càng được thể lấn lướt, coi thường chồng, mang cả chuyện khó có con của chồng ra để sỉ nhục. Cuối cùng, hết chịu nổi, con trai tôi phải ly hôn.

Cháu tôi được tòa xử sống với mẹ. Con trai tôi đồng ý mức cấp dưỡng khá cao. Lúc đó, tôi ngạc nhiên, vì cô vợ giành quyền nuôi con, dù từ ngày sinh ra cô ta chẳng quan tâm gì đến con.

Con dâu biết con trai tôi khó có con, nên cô ta dùng cháu tôi để tống tiền con trai tôi. Mỗi lần muốn đón con đi chơi - tiền. Muốn thăm con khi con bệnh - tiền. Trung bình 1 tháng, ngoài tiền cấp dưỡng, con tôi phải cung phụng thêm cho vợ cũ hơn 20 triệu đồng. Thấy con dâu cũ và tình nhân sống trong căn nhà mua bằng tiền chia nhà của con trai tôi, tha hồ đi chơi, đi ăn sang chảnh bằng tiền của con trai tôi, tôi tức muốn nghẹn họng.

Tôi nói con trai hãy cứng rắn, mạnh mẽ lên để đừng bị tống tiền nữa; con trai tôi thở dài, bảo: “Chỉ cần được nhìn con gái, ở bên cạnh con gái thì bao nhiêu tiền con cũng không tiếc”. Con tôi có thể gồng gánh tiền bạc đến lúc nào? Tôi phải làm gì đây? 

Lan Hà (quận 7, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Chị Lan Hà thân mến, 

Làm cha mẹ, ai cũng đau khi biết con mình bị lợi dụng, phải dùng tiền mồ hôi nước mắt để mua lấy những điều đáng ra con phải có. Dù thấy tình cảm thiêng liêng của con bị mang ra làm vật đổi chác và mình không thể làm gì để thay đổi nhưng nếu phản kháng quyết liệt, biết đâu lại phá vỡ những điều mình hay con đang cố gắng giữ gìn, làm tổn thương con, cháu.

Vậy, hãy làm gì đó với chính bản thân mình, với con trai, để có thể thay đổi được phần nào cảm xúc của mình, thay đổi phần nào hoàn cảnh.

Trước tiên là với mình, chị nhé. Người ta bảo, cái gì có thể giải quyết bằng tiền được thì vẫn chưa phải là điều quá khó khăn, xấu xa (nhất là khi tiền đó nằm trong khả năng của mình). Con trai chị đang thấy đó là lựa chọn tốt nhất lúc này của cậu ấy và cậu ấy làm được thì chị cũng đừng quá lo lắng. 

Tuy nhiên, tốt nhất lúc này không có nghĩa là tốt nhất cho cả mai sau. Không có gì vĩnh viễn. Mọi việc sẽ có thể xấu hơn khi con dâu chị đòi hỏi nhiều hơn. Việc chăm sóc cháu của chị nằm trong tay kẻ toan tính… bằng chính con mình, chắc chắn là không thể tốt đẹp. 

Vậy, chị và con trai nên bình tĩnh để cùng nhìn xa hơn. Cần mềm dẻo, nhưng cũng phải hết sức cương quyết kiềm chế sự tham lam của người mẹ. Nếu thấy càng lấn càng được, người ta sẽ không dừng. Còn khi thấy “già néo đứt dây”, người ta sẽ chùn tay.

Có một điều hết sức quan trọng và cần thiết: hãy cùng con tìm một luật sư để tham khảo những cách thức nhằm giúp con trai chị được quyền thăm và chăm sóc con mà không phải “trả tiền”.

Và chị hãy tìm hiểu xem cháu gái sống với mẹ có hạnh phúc không. Nếu cháu không được chăm sóc tốt, chị và con trai hãy trao đổi với mẹ cháu hoặc nhờ luật sư tư vấn để đưa cháu về chăm sóc. Nếu mẹ cháu muốn đổi chác bằng tiền và con trai chị có điều kiện thì Hạnh Dung nghĩ gia đình chị có thể chấp nhận.

Cháu có một người cha thương con vô cùng và một người bà quan tâm chia sẻ việc nuôi cháu, đó là điều kiện rất tốt cho một đứa trẻ. Hy vọng một luật sư giỏi sẽ có những lời khuyên hữu ích cho con trai chị.

Để làm được điều này, cần phải hết sức khéo léo và tìm hiểu kỹ lưỡng những gì họ mong muốn nhất và đưa ra những điều kiện tốt nhất mà con trai chị có thể làm được để giúp cháu mình được sống bình yên, an toàn bên ba và bà nội. Nhưng khi cháu đã về với ba và bà nội, mong rằng chị không làm khó khi mẹ cháu về thăm con.

Theo phụ nữ TPHCM