Bà Nguyễn Thị Thành (ngụ quận 7, TPHCM) là giáo viên mần non về hưu. Chồng bà trước đó làm bên ngành vận tải nên 55 tuổi cũng được về hưu. Hàng ngày, chồng bà Thành vẫn đi làm thêm công việc bảo vệ cho đỡ buồn, kiếm thêm thu nhập. Bà Thành ở nhà đi chợ chăm sóc gia đình. Con gái lấy chồng cách nhà 2 km nên thi thoảng vẫn mang cháu ngoại sang gửi để bà trông.
Khi người con trai út 31 tuổi lấy vợ, bà Thành mừng như bắt được vàng. Con dâu của bà quê ở tỉnh xa, sau khi kết hôn, hai vợ chồng vẫn dọn về ở chung với bố mẹ chồng. Bà Thành yêu chiều con dâu nên không xảy ra cảnh mẹ chồng nàng dâu thường thấy.
Khi con dâu mang thai, bà còn nói ông chồng chỉ làm việc tới khi cháu nội chào đời là nghỉ để tập trung chăm cháu. Ông bà chuẩn bị sẵn tâm chăm sóc để con cái yên tâm đi làm. Hai ông bà lúc nào cũng xúm xít vui mừng chờ ngày đón cháu nội.
Con dâu sinh cháu trai bằng sinh mổ. Thấy con mổ đau, bà chăm sóc con lau người, lau vết mổ, thay giặt cho con không nề hà việc gì. Chồng bà ở nhà nấu đủ các món bổ ngày ba chiều đi xe vào bệnh viện đưa đồ ăn cho con.
|
|
Con trẻ không thích ba mẹ già chạm vào cháu vì muốn nuôi kiểu hiện đại. |
Tuy nhiên, trái ngược với sự hồ hởi của ông bà là sự lạnh nhạt của nàng dâu. Con dâu của ông bà từ khi ở bệnh viện về là không cho ai chạm vào em bé. Thậm chí, cô còn in hẳn cái giấy A4 với dòng chữ “Không ôm hôn Bon” dán ở cửa phòng để nhắc nhở mọi người tránh lây bệnh cho cậu bé.
Bà Thành nghĩ con kỹ tính cho cháu cũng tốt, nhưng bà buồi tủi vì niềm mong mỏi được bế cháu không thành. Nửa đêm cháu khóc, ông bà sốt ruột không ngủ được cũng chỉ đứng ngoài cửa không thể vào dỗ dành cháu. Con dâu của bà cũng khá vất vả, cô “thầu” hết từ tắm giặt cho tới bế con, trừ chồng ra, không cho ai phụ giúp việc chăm con của mình.
Thi thoảng bà Thành mang cơm lên phòng cho con. Bà bảo con dâu đi tắm, bà bế cháu một lát, nhưng bị từ chối. Mong ước được bế cháu là xa xỉ với ông bà.
Khi đứa trẻ lớn hơn chút, ông bà cũng chỉ đứng nhìn cháu. Buổi trưa ông bà mang cơm lên phòng. Tối chồng về, hai vợ chồng xuống nhà ăn cơm nhưng con dâu bà Thành chỉ đưa con cho chồng bế.
Bà Thành giận lắm nhưng chẳng biết nói sao. Con dâu chỉ nói ông bà đã già không muốn làm phiền. Ông bà chỉ cần giữ gìn sức khoẻ chứng kiến sự trưởng thành của cháu.
Hết 6 tháng ở cữ, cô con dâu tuyên bố nghỉ việc 2 năm để ở nhà chăm con vì không yên tâm. Vậy là ước mong khi mẹ đứa trẻ đi làm giao con cho ông bà Thành đã không như ông bà nghĩ. Nhiều lần bà Thành lấy chút đồ ăn cho cháu ăn thử thì con dâu gạt đi cho rằng “mất vệ sinh”. Toàn bộ đồ ăn của cháu được bà mẹ trẻ chế biến và nuôi theo kiểu Nhật nên không cho ông bà nội chạm vào.
Nhiều lần buồn bực, bà lại sang nhà con gái, ôm cháu ngoại và cảm thấy tủi thân khi niềm vui tuổi già không được trọn vẹn. Nhiều lý do oái oăm mà bà Thành vẫn “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Theo Thạc sĩ Lê Minh Huân - nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm TPHCM, trường hợp không được động vào cháu như bà Thành không hiếm, nhiều ông bà chia sẻ sự rầu rĩ khi rơi vào cảnh muốn giúp con cháu nhưng bị khước từ. Có ông bà than thở rằng thèm ôm ấp cháu mà không được.
Thạc sĩ Huân cho biết, do các bạn trẻ muốn phải nuôi con kiểu hiện đại như mẹ Nhật, mẹ Pháp, mẹ Mỹ, nhưng thực tế, việc không cho cha mẹ chăm cháu, ôm ấp cháu là bạn vô tình tước đi quyền hưởng hạnh phúc tuổi già của họ.
Văn hóa Việt Nam là gia đình và sự gắn kết trong các thế hệ ở gia đình tạo nền tảng văn hóa để một đứa trẻ phát triển. Bạn không nên để ba mẹ già cảm thấy ông bà cô đơn, quạnh quẽ.
"Bạn có thể nói nhẹ nhàng về việc chăm sóc cháu để ông bà thay đổi chăm sóc đứa cháu theo ý của bạn. Nếu bạn quá khó khăn, khiến ba mẹ của mình buồn thì bạn vô tình đã trở thành bà mẹ không tốt trong mắt đứa trẻ và là người con khó tính, khó gần, không khí gia đình chắc chắn không hề vui vẻ" - thạc sĩ Huân nói.
Theo phunuonline.com.vn