Chị Hạnh Dung thân mến,

Con gái tôi đi học xa nhà được nửa năm rồi. Hôm tết cháu về, tôi tình cờ đọc được bức thư cháu để quên trong ngăn kéo. Trong thư, cháu gọi một cô bạn gái mới chơi với nhau là vợ. Tôi lo lắm, vì cháu ở xa nên tôi không thể bên cạnh giám sát. Rất mong chị tư vấn. Tôi nên làm gì bây giờ?

Dung Phạm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Chị Dung Phạm thân mến,

Điều quan trọng là con gái viết gì trong bức thư đó? Còn nếu chỉ gọi là "vợ", thì chưa có gì đến mức phải lo lắng cả. Từ rất lâu rồi, các cô gái chơi thân với nhau cũng hay có kiểu gọi vui chồng - vợ như thế. Nhưng thực chất mối quan hệ của chúng chỉ là bạn bè bình thường. 

Sau khi bình tĩnh lại, chị hãy suy nghĩ về vấn đề này một cách thấu đáo hơn, rằng liệu mọi việc có khủng khiếp quá không, nếu con mình là người đồng tính?

Trong hơn 30 năm làm nghề tư vấn, Hạnh Dung đã gặp 2 trường hợp nhớ mãi:

Một là, một chàng trai du học trở về, dẫn theo một người bạn trai và giới thiệu là người yêu. Người mẹ sốc nặng, đuổi cả hai ra khỏi nhà ngay lập tức. Họ dắt nhau đi, và mãi mãi không quay về nhà nữa, dù người mẹ tìm mọi cách liên lạc, van xin, đau khổ...

Hai là, một cô gái làm đám cưới với bạn gái của mình, sau 6 năm yêu thương nhau và vượt qua mọi thử thách. Oái oăm là thử thách họ vượt qua đầu tiên là gia đình, sau đó mới đến xã hội. 

Người mẹ đã rất bình thản tiếp nhận mọi điều, và âm thầm cổ vũ con quyết định cuộc đời mình. Giờ đây, họ sống hạnh phúc bên nhau. Cô ấy là người chồng tuyệt vời, là giảng viên đại học, còn người vợ xinh đẹp thì luôn bên cạnh cô ấy. Họ còn mở ra vài việc làm ăn cùng nhau rất thành công.

Nếu nhìn cả hai trường hợp trên, chị thấy trường hợp nào tốt hơn? Đứa con nào hạnh phúc hơn? Người mẹ nào bình an, vui vẻ hơn?

Có phải, điều mọi người cha và mẹ mong muốn hơn cả, là con được hạnh phúc, được phát triển tốt đẹp trong sự nghiệp, tìm được một nửa yêu thương gắn bó với mình dài lâu không chị?

Nếu cha mẹ không sĩ diện, sợ tai tiếng với người đời, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân... thì họ sẽ chấp nhận được mọi điều mà con cái họ chọn, nếu điều đó phù hợp, đúng với bản chất của con, mang đến niềm vui, sự bình an cho con.

Khuynh hướng tình dục, lựa chọn giới tính của con người không phải là điều ai cũng có thể tự định đoạt, xoay chuyển nó theo ý mình. Nếu phải sống vì người khác, thì cuộc sống đó sẽ tràn đầy sự ức chế, vật vã, đau khổ. 

Nói như thế để chị đừng quá kỳ thị, ghét bỏ, sợ hãi những người đồng tính. Bởi họ chỉ đang sống cuộc sống thật của mình. Và khi được đối xử công bằng, họ sẽ có cuộc sống bình yên, hạnh phúc như bao người. 

Con gái đi học đại học xa nhà, nghĩa là cháu đã bắt đầu bước vào một đời sống tự lập, và đang có những phát triển riêng. Mọi lo lắng của chị, nhất là những lo lắng có thể không chính xác, đều không thể "chạm" vào cháu. Nếu có "chạm" được, thì cũng chỉ làm cho cháu mệt mỏi, khó chịu, giấu giếm nhiều hơn.

Chỉ có tình yêu thương mới "chạm" thành công và có tác dụng lớn nhất mà thôi. Chị nên trò chuyện, san sẻ, thể hiện tình yêu thương của mình với con nhiều hơn. Hãy để con thấy rằng chị là người mẹ bao dung, rộng lượng, thấu hiểu và rất hiện đại trong cách nhìn, cách nghĩ, cách tiếp nhận mọi vấn đề của cuộc sống.

Khi đó, con chị sẽ chịu chia sẻ với chị, sẽ về bên chị khi cháu hoang mang đau khổ, sẽ tìm ở chị sức mạnh và niềm tin để chọn lựa, kiếm tìm, xác định hạnh phúc của đời mình.

Theo phụ nữ TPHCM