Chị Hạnh Dung kính mến,

Mẹ em mới nghỉ hưu, về sống cùng gia đình em. Vì mẹ đơn thân nuôi em, em có chồng thì cũng “giao ước” với chồng là sau phải về sống cùng mẹ em. Em đã tưởng, khi mẹ nghỉ hưu, gia đình em sẽ có một cuộc sống thần tiên - điều mà cả em và mẹ đã luôn mơ ước vào những ngày xưa cơ cực.

Thế nhưng, mẹ mới về mấy tháng mà mẹ con đã xung đột nghiêm trọng. Em vốn hướng nội, xem tổ ấm là nơi để lui về sống yên tĩnh, người thân giao tiếp vui vẻ và chăm sóc lẫn nhau.

Ngược lại, mẹ em rất hướng ngoại. Mẹ thích nói chuyện liên tục, thích buôn chuyện của hàng xóm, chuyện bạn bè, người A người B, thậm chí cả chuyện phim ảnh bằng một sự nhiệt tình khó hiểu. Đặc biệt, mẹ rất thích đưa bạn bè về nhà, cùng ăn uống, hát hò.

Ban đầu, em chỉ thấy bị xáo trộn khi nhà luôn có người lạ. Bạn của mẹ cứ hay hỏi han, bắt chuyện. Em không quen nói chuyện riêng với người khác nên việc này khiến em thấy rất nặng nề, nhất là khi trò chuyện em lại phát hiện họ biết khá nhiều về việc riêng của em.

Em chưa biết phải góp ý với mẹ thế nào thì giữa em và mẹ lại xảy ra xung đột khi mẹ cho rằng em “im ỉm, không nói năng, coi thường mẹ”. Mẹ nói mẹ có cảm giác em mới là mẹ, còn mẹ thì luôn phải thấp thỏm không biết khi nào em vui, khi nào em buồn để biết đường ứng xử.

Thực sự em không thể tham gia tất cả cuộc trò chuyện mà mẹ khơi lên, em thậm chí thấy rất mệt khi cứ về nhà là bị hỏi về những điều không đâu vào đâu.

Lần gần nhất, tự dưng mẹ hỏi: “Con Ánh vậy mà chưa ly hôn hả? Nó xây cái nhà đó chắc phải hơn 2 tỉ đồng”. Ánh là người bạn lâu năm mà em rất ít liên lạc, cũng ít nắm thông tin “trên từng cây số” của nhau, chỉ biết nhau ổn là đủ; nên khi bị hỏi về thông tin quá chi tiết, cảm giác mẹ đang tọc mạch khiến em rất khó chịu.

Em đáp: “Con không quan tâm, mẹ quan tâm làm gì?”. Thế là mẹ khóc bù lu bù loa, cho rằng không thể sống nổi với em nữa.

Em thực sự cũng… không sống nổi kiểu này nữa. Làm sao dung hòa được đây chị ơi?

Lê Hà (Bình Dương)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Lê Hà mến,

Em dùng chữ “dung hòa” là rất đúng. Trong khác biệt này, không ai phải thay đổi lối sống, chỉ cần hiểu và chia sẻ được với nhau về sự thấu hiểu của mình với người kia, mọi thứ sẽ nhẹ đi nhiều.

Chuyện của em, khá nhiều người gặp. Rất nhiều bạn trẻ khổ sở khi không đáp ứng nổi nhu cầu trò chuyện của phụ huynh, còn phụ huynh thì khổ sở khi không thể thâm nhập nổi vào thế giới của con cái.

Vốn dĩ, không ai xâm nhập hoàn toàn vào thế giới của người khác, dù ta yêu thương họ đến mấy. Ta chỉ tương tác cùng nhau trong những điểm chung, những mối quan tâm chung, điều chỉnh những khác biệt có thể gây thương tổn cho nhau và tôn trọng thế giới riêng của họ.

Em có thể chủ động tâm sự, chia sẻ với mẹ về cảm giác của mình. Em yêu thương và muốn sống cùng mẹ ra sao, đã háo hức được ở bên mẹ thế nào. Đồng thời, hãy cho mẹ biết những thói quen và kỳ vọng của em về cuộc sống gia đình.

Ngay cả việc em không muốn nói chuyện về người khác, không quen trò chuyện mọi lúc mọi nơi, im lặng đôi khi là trạng thái nghỉ ngơi thư giãn của em chứ không phải là thái độ của em với mẹ.

Em cũng nên nói cho mẹ biết việc khách khứa thường xuyên khiến em thấy áp lực thế nào… Hãy xin lỗi mẹ vì đã khiến mẹ hiểu lầm về tình cảm của em, rồi chia sẻ một cách chân thật và khơi gợi để mẹ cùng chia sẻ.

Từ sự thấu hiểu đó, em và mẹ sẽ cùng bàn những cách điều chỉnh để cuộc sống gia đình hài hòa hơn với thói quen của từng người. Mẹ vẫn có thể mời bạn về nhà những khi các em đã đi làm, để khi em về thì cả nhà có thời gian chất lượng bên nhau.

Thay vì để mẹ loay hoay khơi những chuyện mà em không muốn tham gia, em hãy chủ động bắt chuyện với mẹ, dẫn dắt mẹ vào những cách trò chuyện mà em thấy hứng thú.

Hạnh Dung cho rằng, điều mẹ muốn nhất không phải là tám chuyện của người ngoài, mà chính là được chuyện trò cùng con cái.

Em và mẹ rất yêu thương nhau, đây chính là sức mạnh để em nỗ lực vượt qua giai đoạn này.

Theo phụ nữ TPHCM