Tôi 35 tuổi, chồng hơn 7 tuổi, kết hôn hơn 7 năm, có hai cô con gái, không ở cùng bố mẹ chồng. Chồng là người tốt, chịu khó, tiết kiệm, chiều vợ, yêu con, các con rất quấn bố. Điều khiến tôi suy nghĩ và buồn nhiều là chồng và nhà chồng luôn mong chúng tôi sinh cố cậu con trai; riêng vấn đề này thì anh không chiều vợ. Câu chuyện muôn thuở, đẻ cố thằng cu để có người chống gậy, để về già có đứa ở cùng mà nương tựa, để gia phả đến chi, nhánh đó không bị cụt...
Ảnh minh hoạ
Nói thêm nhà chồng có 3 anh em trai, chồng không phải là trưởng; anh em chồng đều đẻ con trai. Khi cưới, tôi nghĩ đơn giản hai vợ chồng cũng không còn trẻ, sinh đẻ tự nhiên được là tốt rồi, vì thế con đầu đến rất tự nhiên. Có bầu rồi tôi mới thấy chồng thắp hương khấn tổ tiên xin con trai, rồi vẻ mặt thật buồn khi kết quả siêu âm là con gái. Thời kỳ này tôi được nghe nhiều câu kiểu: "Thôi, đứa sau cố thằng cu". Sau sinh, tôi trầm cảm nhẹ, sau này đọc về trầm cảm sau sinh mới biết, chủ yếu vì khác biệt trong cách chăm sóc trẻ giữa tôi và mẹ chồng. Tiêu biểu là bà không thích tôi cho con bú, bảo sữa mẹ không đủ chất, uống sữa công thức cháu mới bụ bẫm. Mẹ chồng có ra thăm lúc tôi sinh và trông cháu một thời gian sau khi tôi đi làm lại.
Vợ chồng tôi uống thuốc và canh trứng khi định sinh bé thứ ai, với mong muốn sinh con trai. Tôi làm điều này vì tình yêu với chồng, nghĩ mong muốn có một cậu con trai là chính đáng (nếu không muốn nói là cháy bỏng) của đại đa số đàn ông Việt (trước đó tôi có đề nghị chồng chỉ sinh một bé). Thật tâm một người mẹ, tôi chỉ mong con mình sinh ra khỏe mạnh, phát triển bình thường, hiếu thuận và sống tử tế. Tôi từng sợ việc mong muốn sinh con trai làm ảnh hưởng đến phát triển giới tính của thai nhi. Tôi không có ý kỳ thị giới tính thứ ba, chỉ là sự lo lắng đơn thuần của một người mẹ.
Khi bầu bé thứ hai, tôi khá stress, dù là vô tình hay hữu ý thì những gì một mẹ bầu được tiếp nhận và trải nghiệm cũng thật không tả hết bằng lời. "Lại đái ngồi à"? "Không biết đẻ rồi, toàn cạc cạc à"? "Lại con gái à, chán nhỉ", "Dùng thuốc mà vẫn con gái à"? "Thôi, lần sau chắc chắn là giai rồi", "Không đẻ được con trai người ta lại bảo nhà sống không có phúc"... Bầu bạn ấy tôi nghén chửi bậy, nhiều khi đóng cửa phòng chửi cho thỏa mà không dám để chồng con nghe được. Nói thêm là trước khi bầu bé thứ hai tôi nói với chồng: "Nếu lần này sinh con gái, em không muốn phải nghe bất cứ lời nào khó chịu từ nhà chồng. Nếu có sự phân biệt đối xử với con mình thì em sẽ không tỏ ra biết điều nữa. Nếu chồng muốn ra ngoài kiếm con trai thì ký giấy để lại ngôi nhà đang ở cho hai con gái".
Mỗi lần gặp hay gọi điện, bố mẹ chồng lại nhắc chuyện sinh con trai. Tôi trình bày, phân tích nhưng ông bà không bao giờ ghi nhận. Ông bà biết điều kiện của vợ chồng tôi như thế nào, tuổi tác không còn trẻ, con cái còn đang phải nhờ bà ngoại, hàng xóm đưa đón (tôi đi làm từ 6h sáng đến 6h tối, chồng làm ca), thu nhập trung bình, nhà đang ở là nhà mái bằng một phòng ngủ, xây hơn 10 năm rồi... Năm ngoái chồng bị ốm một trận khá nặng, nghỉ làm mấy tháng, may mắn là đã hồi phục tốt. Những tưởng bố mẹ chồng sẽ không nhắc chuyện đẻ cố nữa, thế nhưng khi chồng mới khỏe lại, tôi lại được giục giã "đẻ đi không già rồi". Ông nội hay nói thương hai cháu gái vất vả, sáng phải dậy sớm theo mẹ, không được chăm sóc tốt, rồi chốt câu cuối vẫn là "đẻ thêm thằng cu".
Có lần về thăm ông bà, tôi mua biếu mấy bộ quần áo, lúc đưa cho bà thì có cả chị dâu ở đó, chị bảo: "Thím mua cho ông bà nhiều thứ thế, chị chẳng mua được cái gì". Mẹ chồng đang bế con trai bác trên tay, liền đáp lời chị dâu: "Mày không cần mua cho tao cái gì cả, mày chỉ cần đẻ cho tao thằng cu này là được rồi". Tôi thấy như được tạt một chậu nước lạnh, cả nhà không ai nói thêm câu nào. Về sau tôi kể chồng nghe, nói rằng thấy tổn thương lắm, cho dù bà nói không nghĩ gì thì tổn thương của tôi vẫn là thật. Chồng bảo bà và bác nói thế không sao cả, chỉ là tôi nghĩ nhiều quá thôi.
Hôm ấy tôi khóc nhiều, không ăn cơm, chồng bảo tôi hâm. Tôi nhắn tin cho anh nói hết nỗi lòng, rằng chỉ có anh mới giúp tôi cởi bỏ những vướng mắc trong lòng, không tự kỷ ám thị, không suy nghĩ nữa; cảm giác cô độc giữa nhà chồng, thương hai đứa con gái. Tôi kể với chồng rằng có lần nằm mơ, mẹ chồng gọi chúng tôi ra và hỏi chuyện sinh con, chồng bảo không sinh nữa, tập trung làm ăn và nuôi hai đứa con gái thôi. Tôi vui sướng đến khóc ướt cả gối, tỉnh giấc mới biết là mơ. Tôi chỉ cần anh lên tiếng nói vài câu khi bố mẹ giục giã, vậy mà anh thường im lặng. Anh bảo ông bà nói đúng, mấy năm nữa mình sẽ suy nghĩ như ông bà.
Bên nhà chồng có anh họ làm to, nhà có hai cô con gái. Một lần tình cờ tôi nghe thấy bà cô chồng nói với bố chồng: "Có làm quan to thì khi về hưu cũng không bằng thằng ất ơ ở quê có con trai". Tôi nghe mà sốc. Năm ngoái, hai vợ chồng đi xem bói, thầy nói nhà chồng chỉ đẻ một bề thôi, nếu hai vợ chồng có dùng biện pháp y khoa can thiệp để đẻ con trai thì con cũng không ở với tôi. Vừa rồi chị dâu bầu bé thứ hai, siêu âm là con trai. Ngẫm cả những chuyện trước đó nữa, tôi đều thấy thầy bói nói đúng. Chồng có vẻ không tin, tôi biết anh vẫn nuôi hy vọng. Nhìn cảnh chồng nựng những bé trai kháu khỉnh, khen chúng, tôi chạnh lòng.
Một hôm, thằng bé hàng xóm sang chơi, chồng bảo: "Giờ có thằng cu như này thì thích nhỉ". Khi tôi bảo anh có quyết tâm đẻ thì đẻ năm nay thôi, sau 35 tuổi mang thai nhiều bất trắc cho mẹ và con lắm (sinh bé thứ hai tôi bị băng huyết, suýt phải cắt bỏ cổ tử cung); nếu anh quyết tâm thì tự tìm hiểu, liên hệ bác sĩ, khi nào cần đi gặp bác sĩ và làm các thủ thuật tôi sẽ có mặt. Tôi làm những điều này là vì anh, còn bản thân không muốn sinh thêm con nữa. Nghe tôi nói thế anh chỉ im lặng.
Từ bé tôi đã chứng kiến nhiều chuyện trọng nam khinh nữ. Anh trai tôi sinh ra bị chút dị tật ở mặt và tai, may mắn không ảnh hưởng gì đến trí tuệ, chỉ giảm thính lực một bên tai. Mẹ mang thai tôi với hy vọng sinh cậu con trai hoàn chỉnh cho bố. Thời điểm ấy công tác dân số làm rất căng, mẹ sinh con thứ ba sẽ phải thuyên chuyển công tác, mọi người đều khuyên mẹ bỏ thai. Nếu năm đó, khi bác sĩ gọi đến tên mẹ, mẹ không quyết đoán đứng dậy và bỏ về thì sẽ không có tôi trên đời. Tôi ghét cay ghét đắng cảnh cỗ bàn mà phụ nữ nai lưng làm và phục vụ, đàn ông chỉ ăn uống rồi đánh bài; con trai được học hành đến nơi đến chốn, con gái không cần đầu tư nhiều, gả chồng là xong. Trong tiềm thức của bản thân luôn đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng, giờ lặp lại vòng luẩn quẩn với chính mình, rồi lại nghĩ đến khi các con gái trưởng thành, lập gia đình, gặp nhà chồng khát cháu trai...
Các bạn cùng lứa cũng có một bộ phận không nhỏ có tư tưởng tiến bộ, không coi trọng chuyện giới tính khi sinh con và nhận thức được sự chênh lệch ngày một lớn về tỷ lệ sinh bé trai bé gái hiện nay. Tuy nhiên, ai dám chắc sau này, khi trở thành bố mẹ chồng, họ có thể vượt qua cái suy nghĩ, mong muốn đã thấm vào máu thịt của nhiều người Việt, cái tàn dư không biết bao giờ mới có thể xóa bỏ của thời đại phong kiến.
Tôi biết rất nhiều cặp vợ chồng đẻ cố để có con trai, nhưng với tôi cuộc sống hiện tại là quá đủ, chỉ mong cả nhà khỏe mạnh, bình an, vợ chồng cùng phấn đấu nuôi dạy con, báo hiếu cha mẹ, tận hưởng cuộc sống; có điều kiện thì xây nhà, mua xe. Tôi có ích kỷ không khi luôn muốn chồng từ bỏ mong ước có con trai và khó chịu khi nhà chồng giục đẻ cố thằng cu? Mong nhận được sự chia sẻ.
Theo vnexpress