Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi có một con trai. Cháu năm nay đã 30 tuổi. Cháu tốt nghiệp một đại học danh tiếng của Sài Gòn đã 3 năm, nhưng hiện giờ cháu vẫn ở nhà cho tôi nuôi. Cháu thông minh và giỏi, thế nhưng cũng vì thế mà cháu "kén cá chọn canh" công việc, luôn muốn rằng mình phải có công việc tốt, lương cao. Cháu cũng kiêu ngạo, luôn coi thường người khác hiểu biết kém hơn mình.

Thực ra sau khi tốt nghiệp, cháu có đi làm vài nơi, nhưng rồi nghỉ rất nhanh vì cháu không nể phục sếp, hay không bằng lòng về lương bổng, cách tổ chức công việc ở công ty. Cháu thường nghỉ trong ầm ĩ, nghĩa là cháu ra mặt mắng mỏ, chê bai người ta sau khi đùng đùng đưa đơn xin nghỉ.

Đã 3 năm nay, cháu không tìm ra việc làm, bắt đầu từ trước dịch. Sau dịch, cháu cũng tìm việc nhưng cũng vẫn tìm mãi không ra. Cháu nói nộp đơn đi nhiều nơi nhưng không thấy nơi nào gọi phỏng vấn cả.

Tôi cũng biết rằng tình hình công ăn việc làm lúc này đang rất khó khăn. Thế nhưng suốt ngày nhìn cháu ngồi chơi game, rồi chém gió trên các trang mạng xã hội, đến bữa thì xuống ăn, ăn xong cái bát cái chén cũng không rửa, lại lên phòng đóng cửa ngồi tới chiều tối... tôi thấy mệt mỏi và khó chịu.

Tôi đến nay đã gần 60, nghỉ hưu, nhưng vẫn nhận các công việc làm thêm, vừa cho vui tuổi già, vừa thêm thu nhập. Trong khi đó, cậu con trai to lớn dềnh dàng của mình thì cứ ỳ ra để mình nuôi. Thấy việc đó thật là vô lý.

Bạn bè, họ hàng người thì bảo tôi đuổi nó ra khỏi nhà, cắt viện trợ, cắt tiền tiêu vặt để nó phải lo bươn chải mà kiếm sống. Người thương và hiểu cháu thì bàn lùi, nói môi trường bây giờ nhiều cạm bẫy, lỡ bắt ép quá rồi vì tự ái mà cháu làm những việc thấp kém hay xấu xa, rồi dính vào việc xấu thì sao...

Tôi phân vân và đau đầu quá, xin chị Hạnh Dung góp ý tôi nên làm thế nào để thúc đẩy cháu phấn đấu?

Linh Lê

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chị Linh Lê thân mến,

Không biết chị có biết câu chuyện cò con và cò mẹ hay không nhỉ? Chuyện kể rằng cò mẹ đã đẩy cò con ra khỏi tổ khi nó đã đủ lông đủ cánh mà chưa dám bay. Con cò con sẽ loạng choạng một lúc, rồi nhờ vào đôi cánh mạnh mẽ mà mẹ nuôi, mẹ dưỡng, nó sẽ đập cánh nhịp nhàng, như một bản năng của loài chim, một bản năng sinh tồn... mà bay lên.

Nghe qua câu chuyện chị kể, Hạnh Dung phải nói thật một điều, những cá tính, thói quen ỷ lại và khó hòa nhập với cuộc sống đi làm của con trai chị, có lẽ đã bắt đầu từ cách chị chăm sóc, lo lắng cho con, tạo cho con suy nghĩ mình là trung tâm vũ trụ.

Thất nghiệp, nằm nhà cho ba mẹ nuôi mà cái chén ăn xong cũng không phải rửa, chị thấy khó chịu, bực bội mà không dám bảo cháu làm việc nhà, thay vì nằm dài chơi game và chém gió, thì làm sao cháu có thể hiểu được ý nghĩa của việc ra đời, phấn đấu để tự nuôi bản thân mình và chăm lo cho người khác?

Đáng lý ra, chị phải khiến cháu hiểu rằng dọn dẹp, rửa chén bát, giặt giũ... đó là công việc tối thiểu lúc này cháu phải làm, để có thể bưng bát cơm ăn mà không thấy hổ thẹn!

Chị nghĩ rằng con cò mẹ có sợ hãi khi nhìn thấy con mình loạng choạng tập bay không? Loài chim cũng biết sợ đấy chị. Nhưng nó phải chấp nhận điều này. Và nó không phải chỉ đứng đó nhìn đâu, nó cũng sẵn sàng lao xuống dìu con tập bay khi thấy con còn quá yếu ớt.

Cuộc sống hiện nay, môi trường đi làm việc cũng đâu có quá nguy hiểm, đầy cạm bẫy này kia như chị tưởng tượng. Chỉ là những va chạm, tiếp xúc, học hỏi để có thể trưởng thành, phát triển, biết được bản thân đứng ở vị trí nào về kiến thức, kinh nghiệm để mà làm việc cùng các đồng nghiệp của mình.

Cách cư xử của con trai chị khi đi làm có lẽ cũng là do sự tự đề cao cá nhân quá mức, coi bản thân là trung tâm vũ trụ, nghĩ rằng mình giỏi hơn tất cả, cao hơn tất cả. Quá coi thường mọi người và công việc, cũng là do cậu ấy ỷ lại vào một chỗ dựa là mẹ: thất nghiệp về nhà, có mẹ nuôi.

Ông bà ta có câu "Tam thập nhi lập", tuổi 30 là tuổi đã phải lập thân, lập nghiệp. Chị cũng đã trang bị cho cháu một đôi cánh tri thức. Hãy trang bị thêm cho cháu những lời khuyên về cách đối nhân xử thế với mọi người bên ngoài, nhất là trong môi trường công việc. 

Cháu đang cần một cú đẩy của chị để bước ra đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Chị chỉ cần luôn dõi theo để có thể giúp những khi cháu loạng choạng mà thôi. Nhưng tuyệt đối đừng để cháu có tư tưởng ỷ lại gia đình thêm lần nữa. 

Theo phụ nữ TPHCM