Một ngày bình thường, đón con từ lớp học thêm tiếng Anh về, tôi vào bếp để sửa soạn bữa tối. Trong lúc nấu, tôi tranh thủ rửa nốt chồng chén đĩa từ buổi trưa, dọn mấy thứ đang ngổn ngang. Ngó thấy đống áo quần trên giường chưa xếp, tôi sai con: “2 chị em xếp áo quần giúp mẹ đi!”. Tôi dự định khi các con xếp áo quần xong thì sẽ kêu con dọn nhà.

Trong lúc đó, bé Út mới 2 tuổi vẫn đang bám chân mẹ, thi thoảng mới chịu chạy ra ngoài hành lang chơi. Trời mùa hè nóng đến 37, 38 độ C, mồ hôi ướt nhẹp lưng áo. Nhìn 2 đứa con vừa xếp áo quần vừa trêu đùa nhau, tôi đã rất bực tức. Tôi quát con: “2 đứa có xếp cho cẩn thận không hả?”. Lát sau, thấy các con đuổi nhau chạy ra ngoài, tôi nghĩ con đã xếp xong quần áo nên cũng kệ, để cho con chơi chút.

leftcenterrightdel
 Lá thư của con gái giúp tác giả nhận ra mình đã sai khi trút mọi áp lực cuộc sống lên con - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhưng khi tôi vào phòng, thấy cảnh áo quần lộn xộn, lẫn luôn trong đám mền gối còn chưa xếp; âm thanh ồn ào của đám trẻ vọng khắp hành lang, thấy con cái đứa nào cũng biếng nhác, chồng đi làm về muộn, lại nghĩ đến tài khoản chỉ còn khoảng vài trăm ngàn đồng và bản thân mình thì ôi thôi… Tôi bất giác nằm vật ra giường, khóc vì tủi thân.

Tôi thấy cuộc sống của mình sao mà khốn khổ quá, mệt mỏi quá. Lũ trẻ thấy mẹ khóc thì ngừng chạy, ngồi lặng yên. Cô con gái 11 tuổi ngồi bên cạnh một lát, ngây người ra nhìn mẹ, rồi như muốn hỏi xem chuyện gì xảy ra, con rón rén hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có chuyện gì thế?”.

leftcenterrightdel
 

Tôi không trả lời con mà khóc thêm một lúc cho đã, rồi mới quệt nước mắt, nói với con. Tôi nói thật dài, những lời lẽ đầy oán trách, than thở, kể lể. Tôi nói về sự khổ sở của tôi, về nỗi vất vả và sự vô tâm của các con. Mấy đứa như hiểu chuyện, mẹ không quát gì nhưng cũng tự động đi hoàn thành mọi việc còn lại. Tôi cũng thôi không khóc, cố gắng bình tâm để lo bữa tối.

Tôi không bận tâm đến suy nghĩ của các con vì còn mải so sánh nếu như không sinh nhiều con thì sao. Mấy cô bạn của tôi, U40 vẫn chưa lập gia đình. Trong khi tôi đang ở đây bế tắc vì con cái, phải lo cho những đứa trẻ, phải nghĩ đến việc kiếm tiền không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình… thì bạn tôi có thể tung tăng ở đâu đó hẹn hò, đi chơi.

Tôi cứ nghĩ miên man cho đến đêm. Khi đã tắt đèn đi ngủ một lát rồi, tôi vẫn thấy có tiếng lục đục bên phòng con gái. Bước sang, tôi thấy con đang viết một lá thư rồi con đưa cho tôi. Tôi đọc và bất ngờ. Lá thư có câu “Đôi lúc, con ước mình đã không sinh ra trên đời” khiến tim tôi nhói đau.

Tôi bỗng nhận ra, con đang sợ hãi, run rẩy. Con không thấy được yêu thương, muốn bấu víu vào tình yêu của ba mẹ mà loay hoay không biết cách, sợ rằng ba mẹ sẽ ly hôn, con mất đi tổ ấm... Tôi trách mình đọc nhiều sách nuôi dạy con nhưng lại dừng ở lý thuyết mà không biết cách áp dụng vào thực tế. Những đứa trẻ như con gái tôi vốn rất nhạy cảm, chúng luôn sợ tình yêu ba mẹ bấp bênh, dễ mất đi và mình trở thành người vô giá trị.

“Con hư lắm phải không mẹ? Trong con chẳng có gì tốt cả, toàn những thói hư tật xấu. Nói dối, ham chơi, ghen tị, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Con đã nhiều lần quyết tâm thay đổi nhưng chỉ toàn là những quyết tâm suông”. 11 năm qua, tôi không biết mình đã làm mẹ kiểu gì mà để con nghĩ về bản thân như thế.

Tôi không sai khi bật khóc tức tưởi vào khoảnh khắc ấy, vì đó là cảm xúc dồn nén và những giọt nước mắt giải tỏa cũng hoàn toàn lành mạnh. Nhưng tôi đã sai khi nhiều lần dùng chính sự mệt nhọc và những giọt nước mắt của mình với mục đích đổ lỗi, đóng vai nạn nhân trước con cái. Tôi biết, mình sẽ phải nghiêm túc học cách để gây dựng lại niềm tin về giá trị bản thân cho con, bằng sự yêu thương vô điều kiện trong thời thơ ấu này.

Theo phụ nữ TPHCM