|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Trước khi lên xe ôm rời đi, mẹ chị Ngân quay lại buông một câu: “Hồi đó không ai tập cho mẹ chạy xe, nên giờ mới phải khổ như vầy nè”. Chị Ngân cười gượng, bởi quá quen với kiểu nói đó của mẹ mình.
Giống như khi đưa cháu ngoại đi tập bơi, mẹ chị cũng than thở: ngày xưa làm gì có thầy dạy như bây giờ, còn người thân thì đâu có ai thèm tập cho mình. Chị Ngân khẽ cau mày hỏi, vậy giờ mẹ muốn tập cùng với bé Mi không, con đăng ký luôn nhé. Dù chị thừa biết, mẹ sẽ từ chối, nhưng bài ca kể khổ vẫn chẳng có hồi kết.
Đây cũng không phải lần đầu chị Ngân bắt gặp cảnh “đổ lỗi” của nhiều phụ nữ xung quanh. Từng có lần, chị nghe cô em họ “bắt đền” chồng phải chịu trách nhiệm với thanh xuân của cô ấy đã bỏ ra. Tôi lấy anh, sinh con cho anh, để giờ anh bạc bẽo nói chúng ta không hợp nhau à? Ừ thì ly hôn cũng được thôi, nhưng anh phải trả giá tương xứng cho những gì tôi đã bỏ ra cho cái nhà này.
Chồng của em họ đáp lại: “Con là của chung, tôi cũng dành cả tuổi trẻ để chung sống với cô, sao giờ chỉ riêng cô thiệt thòi vậy?”. Chẳng biết em họ chị Ngân rồi có hiểu ra vấn đề, hay cứ tiếp tục dằn hắt nữa.
“Ủa, lúc thoải mái thì cả hai cùng hưởng, sao giờ chia tay lại nói kiểu như tôi chèn ép, dụ dỗ, thậm chí là… cưỡng hiếp cô ấy vậy nhỉ” - một người đàn ông khác đã bức xúc kêu trên mạng xã hội, khi bị bạn gái đổ hết trách nhiệm lên cuộc tình vừa tan vỡ của họ.
Là một phụ nữ trưởng thành, có sự nghiệp và tài chính riêng, tuổi tác cũng trạc trang lứa với nhau, yêu đương là tự tìm hiểu, chuyện ấy cũng là tự nguyện, thế mà giờ quay sang kể lể như thể gặp phải Sở Khanh, thật là…
Thực tế là, vợ chồng đều đi làm, cùng chăm lo cho gia đình, nhưng lỡ như có biến cố thì sẽ là “anh không lo nổi cho vợ con”. Ít ai trách bà vợ kém cỏi, không chu toàn kinh tế gia đình. Đa phần là do nam giới xốc vác. Dù mỗi ngày, chị em luôn ra rả bài ca bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ, chia đôi việc nhà. Đàn ông bây giờ ra ngoài cũng rất áp lực, nhiều thứ phải lo toan, thậm chí ngay cả khi kết hôn cũng nặng gánh hơn phái nữ, theo kiểu “cưới vợ”.
Một cô gái chưa có sự nghiệp, không tài sản gì vẫn có thể vô tư lấy chồng, nhưng nếu một anh tay trắng mà vội đèo bồng vợ con, sẽ tha hồ hứng chịu những từ ngữ khó nghe như vô dụng, vô trách nhiệm, không có năng lực, ham hố… này nọ. Bạn thử nghĩ xem có đúng không.
Nên bây giờ, chị Ngân hay dạy bé Mi rằng, tự mình lựa chọn thì phải dám chịu trách nhiệm. Ví như khi thức dậy trễ, bị lỡ buổi đi chơi với lớp thì không được đổ lỗi kiểu “sao mẹ không gọi con”. Đó là do con lơ là, không đặt báo thức, cũng không nhờ mẹ trước. Khi bé Mi xem phim với nhóm bạn và mặc nhiên cho rằng “nó con trai thì phải đãi tụi con trà sữa”. Chị phân tích cho con hiểu, làm gì có khái niệm con trai thì phải chi tiền. Còn nhiều câu chuyện nho nhỏ khác của cuộc sống hằng ngày mà con gái có khuynh hướng “giống bà ngoại” đều được chị Ngân triệt để nhắc nhở con, uốn con vào cách suy nghĩ độc lập và bình đẳng hơn.
Thậm chí, ngay cả chuyện ấy, cũng phải giữ sự độc lập của mình. Mình ưng, mình gật đầu thì không “bắt đền” lúc cãi nhau hoặc nghỉ chơi. Đừng để nam giới mỉa mai rằng, có phải mình tôi sung sướng đâu mà giờ thì “chia tay đòi bù đắp”.
Đành rằng cuộc tình dù đúng dù sai, đến lúc vỡ tan thì phái nữ có thể chịu thiệt thòi hơn, nhưng đừng vì thế mà đòi hỏi sự “đền bù” một cách quá đáng. Cầm lên được thì đặt xuống được, tự tôn và kiêu hãnh mới là cách để đối phương phải tiếc nuối. Đặc biệt là khi quan niệm về trinh tiết và tình dục trước hôn nhân đã có nhiều cởi mở thì việc cánh chị em “lăn ra ăn vạ” - chữ một nam giới đã dùng - chỉ khiến bản thân trở nên yếu thế và mất thể diện hơn khi phải đường ai nấy đi.
Dù ở độ tuổi nào, một phụ nữ cư xử trưởng thành, biết chừng mực và có thể tự chịu trách nhiệm về mỗi quyết định luôn nhận lại sự tôn trọng, chí ít là từ chính bản thân mình.
Theo phụ nữ TPHCM