Đọc bài viết Kết hôn 10 năm không mua được nhà, tôi thấy mình may mắn khi sớm nhận ra vấn đề tác giả băn khoăn. Nếu không dám vay mượn để mua nhà thì có lẽ đến giờ vợ chồng tôi vẫn phải ở trọ.
Chồng tôi có tính tình và cách cư xử với người thân y hệt như chồng tác giả. Lúc nào anh cũng tỏ ra mình là người phải có trách nhiệm, phóng khoáng với em út nên trong túi có đồng nào là dốc sạch đồng ấy.
|
Thay vì đợi đủ tiền mới mua nhà, tôi quyết định vay nợ để sở hữu nhà trước tuổi 40. (hình minh họa) |
Cưới nhau xong, vợ chồng tôi đi thuê nhà đến lúc con đầu lòng được 2 tuổi. Vì không gian sống chật chội nên tôi quyết định mua nhà khi trong tay chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng gom góp từ tiền tiết kiệm và bán vàng cưới. Tôi mua căn nhà cấp 4 ở một hẻm sâu có giá 725 triệu đồng, số tiền còn lại tôi mượn sổ đỏ của chị gái thế chấp để vay ngân hàng và mượn không lãi của người thân.
Chồng tôi phản đối, anh nói tôi liều lĩnh, sợ rằng không gồng gánh nổi nợ nần, nhưng tôi vẫn nhất quyết mua. Nhờ gánh nợ nặng nề trên vai ấy mà chồng tôi bớt tiêu xài, hàng tháng biết lo gom góp tiền để cùng vợ trả nợ. Tôi có động lực mạnh mẽ để bơi ra kiếm tiền. Ngoài công việc chính, tôi bán thêm hàng online, từ một người nghĩ mình không có khả năng kinh doanh, tôi tự học hỏi để nhập nguồn hàng, đăng bài quảng cáo, lên đơn và dần dần có lượng khách hàng ổn định.
Tết đến, tôi gói bánh chưng, làm mứt để bán, chồng cũng xắn tay phụ giúp. Thay vì nhậu nhẹt vào cuối tuần, chồng nhận nhiệm vụ đi ship hàng cho vợ và cửa hàng gần nhà. Anh hạn chế nhậu nhẹt, không còn tốn tiền cho những mối quan hệ xã giao không cần thiết. Tôi phải cân đo đong đếm rất chi tiết về các khoản chi tiêu của gia đình để thực hiện mục tiêu trả nợ.
Tôi nhận ra khi mình vay nợ, bản thân luôn phải cố gắng chứ không được phép buông xuôi. Có những ngày cực kỳ mệt mỏi nhưng nghĩ đến số tiền phải trả, vợ chồng lại động viên nhau vượt qua. Thêm nữa, khi biết chúng tôi đang mắc nợ, bạn bè người thân cũng ít nhờ vả chuyện tiền bạc.
Sau 5 năm làm việc cật lực, vợ chồng tôi trả hết nợ mua nhà và có một khoản tiền tiết kiệm. Nghỉ ngơi khoảng 1 năm, tôi tiếp tục quyết định “gây nợ” bằng cách đập bỏ ngôi nhà cũ để xây nhà mới khi con hẻm nhỏ mở rộng thành đường lớn và nền nhà tôi bị tụt thấp hơn so với mặt đường.
Một lần nữa, chồng lại bàn lùi do sợ áp lực từ khoản nợ mới. Nhưng tôi phân tích, bây giờ con còn nhỏ, vợ chồng còn trẻ khỏe vẫn có thể kiếm tiền, nếu không xây nhà thì đến lúc con lớn, chi phí nhiều sẽ không có cơ hội. Trong khi đó tôi chỉ có 30% số tiền dự tính xây nhà, còn 70% còn lại dự tính vay ngân hàng và mượn người thân.
Tôi đủ điều kiện để vay gói lãi suất ưu đãi cho viên chức nhà nước trả trong vòng 20 năm. May mắn hơn nữa, tôi có vài người bạn thân và chị em sẵn sàng cho mượn tiền không lãi. Nhờ vậy, chúng tôi đã hoàn thành ngôi nhà mới 1,3 tỷ đồng cách đây vài tháng.
Nhiều người khen vợ chồng tôi giỏi vì chưa đầy 40 tuổi mà có nhà tiền tỷ, tôi chỉ cười trừ. Thật ra, tôi thấy mình không giỏi giang, nhưng tôi dám liều. Tôi nghĩ phải liều gồng mình vay nợ vá quyết tâm trả nợ mới có ngôi nhà mơ ước.
|
Đặt gánh nợ lên vai, vợ chồng tôi buộc phải chăm chỉ làm việc và thay đổi cách chi tiêu để trả nợ (hình minh họa) |
Tôi thấy tư duy của người trẻ bây giờ khác xưa rất nhiều. Thời cha mẹ tôi, ai cũng dành dụm đủ tiền mới xây nhà, thành ra con cái nhỏ phải sống trong không gian chật chội, đến khi lớn chúng đi xa, xây được nhà rộng rãi thì chỉ còn ông bà già ở với nhau. Có người đến gần 60 tuổi mới làm nhà, ở được vài năm lại đau ốm bệnh tật. Còn hiện tại những đôi vợ chồng trẻ sẵn sàng vay nợ để có nhà cửa, sau đó tận dụng sức trẻ và cơ hội để cật lực kiếm tiền trả nợ và có tài sản tích lũy.
Ông bà ta có câu “An cư mới lạc nghiệp”, nếu khi còn trẻ không tìm cơ hội để sở hữu nhà thì càng lớn tuổi càng ít cơ hội và cuộc sống thêm chật vật.
Theo phụ nữ TPHCM