Mới đây, một lời chia sẻ nhận nhiều ý kiến đồng cảm của dân mạng. Anh chàng kể rằng, do thường xuyên phải đeo túi xách, cầm ví nữ cho bạn gái, nên anh quyết định đích thân đi lựa túi, vì “đằng nào cũng phải đeo, nên tốt nhất cứ chọn túi xách hợp với mình”.

- Anh thật dễ thương và cưng chiều bạn gái, xứng đáng có 10 người yêu.

- Lựa màu nào ít hồng, không quá sến súa công chúa để đeo đỡ ngại.

- May cho người yêu mình là mình không đeo túi xách mà đeo mini bag.

- Nỗi lòng của tui, nhưng không dám nửa lời than trách.

leftcenterrightdel
 Chàng trai đích thân đi lựa túi xách cùng bạn gái vì đằng nào chẳng phải đeo. (Ảnh nhân vật trong câu chuyện)

Cá nhân tôi cũng hay thấy các chàng trai phải đeo những chiếc túi “chuẩn nữ tính” cho bạn gái suốt chuyến đi. Có loại màu hồng chất nhung, có loại dây đeo lấp lánh ánh vàng, có loại ví đầm cầm tay dùng để dự tiệc. Cần thứ gì trong túi, cô gái lại yêu cầu chàng trai lấy cho như điện thoại, phấn dặm, khăn giấy, cột tóc…

Không chỉ túi xách, có nhiều cô còn "treo” luôn cả mũ, áo khoác lên người bạn trai để rảnh tay. Không biết đa phần các quý ông, các chàng trai nghĩ gì khi phải làm việc đó? Tôi thì chỉ thấy tội nghiệp họ.

Yêu nhau 4 năm và lấy nhau hơn 10 năm, chồng tôi dĩ nhiên là người gánh vác những việc nặng trong gia đình và đương nhiên sẽ là người khuân đeo những túi balo nặng nhất khi đi du lịch, nhưng chưa bao giờ anh phải đeo túi xách cá nhân của tôi. Vì sao? Có 5 lý do: 

- Túi xách chứa những món đồ mà tôi luôn cần dùng đến, trong đó có cả những thứ cá nhân tế nhị như lăn khử mùi, băng vệ sinh...

- Túi xách rất nhẹ, không cần thiết phải cần người xách phụ.

- Túi xách cũng giống như quần áo, phụ kiện, trang sức, nó giúp tôi thể hiện phong cách cá nhân.

- Khi xách túi tôi có cảm giác mình chủ động, độc lập, chu đáo, quán xuyến tốt, không cần nhờ vả ai.

- Tôi không muốn người chồng đầy nam tính của tôi phải ái ngại khi phải đeo trên người những thứ của phái nữ.

Chính vì thế mà ngoài cảm giác thấy tội cho các quý ông/quý anh, tôi còn có một cảm giác hơi thiếu thiện cảm với những cô gái muốn người đàn ông của họ trở thành "giá treo đồ".

Lý do duy nhất khiến họ muốn làm việc này có lẽ chỉ là vì thích cảm giác được cưng chiều hoặc cũng có thể là lời ngầm khẳng định chủ quyền “đó là người yêu của tôi”.

Đàn ông có nhiều cách để thể hiện sự ga-lăng, yêu chiều người phụ nữ của mình như mở cửa xe, cài thắt dây an toàn… Trong từ điển ga-lăng của họ có lẽ chưa bao giờ có nội dung “đeo túi xách, cầm ví cho vợ/bạn gái”.

Khi bày tỏ quan điểm này, tôi cũng làm cuộc khảo sát nhỏ với cánh đàn ông nơi tôi làm việc. Đa phần ý kiến cho rằng đó là chuyện “3 phần bất lực, 7 phần nuông chiều”: “Đeo giùm 1 lúc nếu họ cần rảnh tay làm gì đó chứ đeo hoài thì kỳ”, “Tôi còn chẳng có túi xách mà phải đeo cho vợ thì quá nghịch lý”, “Đeo thì cũng được, miễn chỗ đông người đừng nói anh anh lấy cho em cái điện thoại, thấy mình giống osin lắm”, “Cái này nó lây đó chị, một cô thấy bạn được bạn trai xách túi hộ cho là y như rằng bắt bạn trai mình cũng làm như vậy”... Đa phần các anh chọn nhẫn nhịn để êm nhà êm cửa. 

Nói dông dài chuyện cái "túi xách ai là người xách" cũng một phần để tôi thể hiện quan điểm về sự tinh tế, quyền riêng tư, tôn trọng đối phương ngay cả khi đã là vợ chồng. Tôi không bao giờ muốn đụng vào những thứ cá nhân của chồng như ví, điện thoại, cặp táp của anh ấy và tôi cũng mong chồng làm điều đó. Mẹ tôi thường dạy về "tương kính như tân" mà chắc chắn tôi cũng dạy con gái về điều này.

Theo phụ nữ TPHCM