Một nghiên cứu của Đại học Bath (Anh) cho thấy, đàn ông thường cảm thấy căng thẳng khi họ là trụ cột của gia đình. Nhưng điều lạ là sự căng thẳng càng gia tăng nếu bạn gái hoặc vợ đóng góp hơn 40% thu nhập của cả gia đình. Nếu người đàn ông phụ thuộc nhiều về kinh tế, mức độ rối loạn tâm lý mà anh ta dễ mắc phải sẽ lớn hơn.

Nhiều ông chồng cảm thấy căng thẳng khi vợ kiếm tiền giỏi hơn và có thu nhập cao hơn mình. Ảnh minh họa: Shutterstock/Forbes.

Kết luận trên đã được đưa ra sau khi trích xuất và phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu khác được thực hiện tại Mỹ, nhằm theo dõi tình trạng của hơn 6.000 cặp vợ chồng đã kết hôn hoặc sống cùng nhau trong khoảng thời gian 15 năm. Mức độ căng thẳng được tính toán dựa trên cảm giác buồn chán, lo lắng, thất vọng và cảm thấy vô dụng.

Một trong những lý do cho tâm lý này của đàn ông có liên quan đến sự tồn tại của nền văn hóa gia trưởng trong xã hội. Joanna Sydra, một nhà nghiên cứu nhận định: "Trong nhiều thế hệ, ở nhiều nền văn hóa, người ta kỳ vọng rằng đàn ông sẽ là người kiếm thu nhập chính trong gia đình. Thuộc tính nam có mối liên hệ chặt chẽ với việc thực hiện những kỳ vọng này".

Cô cũng nói thêm rằng việc đối mặt với những thay đổi so với truyền thống này và việc phải chấp nhận thực tế rằng vợ/bạn gái có thể kiếm nhiều tiền hơn mình khiến đàn ông có khả năng gặp phải tình trạng đau khổ tâm lý ở mức độ cao.

Một giải thích khác vượt ra ngoài vấn đề giới tính chỉ ra sự mất cân bằng quyền lực có thể xuất hiện trong bất cứ mối quan hệ nào, khi một trong hai phía có thu nhập cao hơn. Sự mất cân bằng này là hiển nhiên trong cả các quyết định chi tiêu lẫn tiết kiệm hàng ngày, cũng như sự xấu đi của mối quan hệ giữa cặp đôi, khi người có thu nhập thấp hơn có thể dễ bị tổn thương về tài chính và nghĩ đến việc ly hôn, hoặc ly thân.

Tuy nhiên, có một sự ngoại lệ trong mối quan hệ trực tiếp giữa stress của người đàn ông và sự đóng góp của họ trong kinh tế gia đình. Nếu người đàn ông biết rằng người phụ nữ có thu nhập cao hơn từ trước khi kết hôn, mức độ căng thẳng được giảm bớt đáng kể. 

"Người ta không ngẫu nhiên mà chọn bạn đời, vì thế nếu người phụ nữ có thu nhập cao hơn người đàn ông trước khi kết hôn, thì khoảng cách thu nhập tiềm năng đó đã rõ ràng với người đàn ông, thậm chí đó có thể là lý do cho sự kết đôi của họ", Joanna Sydra chỉ ra.

Nghiên cứu cũng cho thấy, với đàn ông, việc trở thành trụ cột tài chính duy nhất trong gia đình cũng tạo ra sự căng thẳng, mặc dù có thể họ không ở vị trí là người kiếm ít tiền hơn trong gia đình. Lý do, trong trường hợp này, có sự liên quan đến thực tế rằng các trách nhiệm và áp lực gây ra sự lo lắng, căng thẳng đáng kể.

Vì thế, một kết luận quan trọng khác được đưa ra: Đàn ông sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi cả hai vợ chồng đều kiếm tiền, đóng góp tài chính trong gia đình, nhưng với điều kiện họ là người kiếm thu nhập chính. Tỷ lệ lý tưởng là 60% từ đàn ông, 40% từ phụ nữ.

Báo cáo toàn cầu về khoảng cách giới 2018 (The Global Report on the Gender Gap 2018) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ ra rằng khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại: mặc dù 89 trong số 144 quốc gia được khảo sát có ghi nhận sự cải thiện, nhưng với tốc độ này, sẽ phải mất khoảng 200 năm để có thể loại bỏ khoảng cách giới. Các quốc gia có nhiều tiến bộ nhất về sự bình đẳng giới là Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.

Mỹ đứng ở vị trí 51. Tuy nhiên, tỷ lệ người vợ kiếm được tiền nhiều hơn chồng ở quốc gia này lại ngày càng tăng: năm 1980, chỉ có 13% phụ nữ kiếm được nhiều hơn chồng. Năm 2010, con số này là 25% và lên đến 31% vào 2017.

Theo vnexpress