Để giận hờn là "gia vị" của tình yêu
Cập nhật lúc 15:27, Chủ nhật, 02/01/2022 (GMT+7)
Giận hờn như một thứ "gia vị" khiến tình yêu trở nên thăng hoa với muôn vàn cung bậc cảm xúc. Nhưng nếu nêm quá tay có thể sẽ phá hỏng mối quan hệ...
Trong tình yêu, giận dỗi là một thứ gia vị không thể thiếu. Giận nhau để yêu nhau, hiểu nhau nhiều hơn nên tình yêu nếu thiếu đi chút hờn ghen, giận dỗi thì cũng giống cái nhạt của món ăn thiếu gia vị. Nhưng theo nhà thơ Lữ Mai, nếu đã là gia vị, chỉ cần nêm quá tay một chút là có thể làm hỏng một món ăn.
Nếu như trước hôn nhân, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ giận dỗi với người yêu bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí như một cách để kiểm chứng tình cảm của "nửa kia". Thế nhưng sau khi kết hôn, sự giận dỗi lại chuyển sang một trạng thái khác. Khi đó, người vợ thường chọn cách im lặng, không cho chồng gần gũi, thậm chí là khóc lóc, kể lể… Những điều này làm người đàn ông vô cùng bối rối bởi họ không biết nguyên nhân và cách hóa giải cơn giận dỗi của vợ.
Nhà thơ Lữ Mai cho rằng việc giận dỗi quá nhiều sẽ khiến người mình yêu trở nên mệt mỏi, vì đâu biết rằng giây phút bộc phát đó đã đẩy người mình thương ra xa hơn, giống như món ăn sẽ chẳng thể ngon nếu gia vị nêm quá đà.
“Điều quan trọng là bạn cần kiềm chế cảm xúc, lọc bỏ sự tức giận ra khỏi câu chuyện và đối thoại với tinh thần cầu thị và xây dựng. Rất nhiều người trong chúng ta lớn lên mà không học được kỹ năng này. Khi cơn giận sôi lên, chúng ta để nó sôi tự do và không quan tâm tới việc kiềm chế. Lời nói lúc tức giận là lời nói khiến ta hối hận. Khi đó, cách tốt nhất là hai người cho nhau một khoảng không gian và thời gian để tĩnh tâm lại". Nhà thơ Lữ Mai nhấn mạnh.
Người ta vẫn nói: đàn ông thiên về lý trí, đàn bà thiên về cảm xúc. Chính vì vậy, những người luôn giữ được hạnh phúc gia đình là do họ biết cách xua tan giận dỗi. Chị em có thể giận dỗi chồng để nêm thêm chút gia vị, một cung bậc cảm xúc khác làm phong phú thêm phong vị tình yêu và cuộc sống, và chỉ được xem đây là một thứ gia vị để trợ giúp chứ không nên lạm dụng bởi nếu lạm dụng quá sẽ rất dễ phản tác dụng.
Theo VOV