leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Theo lời ba, ngày cưới nhau, đến nấu tô mì trứng cà chua mẹ cũng không biết làm, chỉ hồ hởi đứng một bên bếp khen ba không ngớt. Vậy mà hôm nay, trong mắt chị em chúng tôi và cả những người người quen biết xa gần, mẹ là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, đảm đang số 1.

Trong ký ức của chúng tôi, hình như chưa có món ăn nào dù Á hay Âu làm khó mẹ. Đi tiệc tùng có món gì ngon, bà đều ăn chậm, nhai kỹ, quan sát từ màu sắc, độ dai, giòn hay mềm, béo… để thưởng thức, cảm nhận trọn vẹn về nó. Và rồi chỉ mấy hôm sau, nhà tôi lại cùng nhau thưởng thức món ăn ấy qua tài nghệ của bà.

Xưa mẹ là con gái Sài Gòn, lại được hai bên nội ngoại cưng chiều, suốt thời thơ ấu, theo như mẹ kể là bà không đi khỏi trung tâm quận 1, quận 3. Mãi đến khi vào đại học Văn khoa, quen ba, chàng sinh viên trường Luật, bà mới bắt đầu có những chuyến công tác xã hội, dạy xóa mù chữ cho người dân vùng sâu, vùng xa… Nhưng ba tôi cũng cho biết, những chuyến đi đó, cũng toàn có đội hậu cần (trong đó có ba) lo bếp núc, hoặc là nếu không có thì cũng là ba đạp xe đi tiếp tế thức ăn cho mẹ… Mẹ chưa hề vào bếp.

Hai người yêu nhau 6 năm mới cưới. Ông bà ngoại tôi cưng con gái, ngay đám hỏi, ông bà đã dặn ba không được ép mẹ làm việc gì nếu mẹ không thích làm, nhất là việc vào bếp và dọn dẹp cửa nhà.

Hồi mới nghe ba kể chuyện này lần đầu, chị em tôi mắt tròn, mắt dẹt không tin. Bởi trong lòng chúng tôi, ngoài giờ làm việc ở văn phòng luật sư phụ ba, hầu như mẹ gắn với mọi việc trong nhà, ngoài ngõ.

Còn nhớ hôm kỷ niệm 30 năm ngày cưới của ba mẹ vào đầu tháng 3/2024, cả nhà xúm vào phỏng vấn ba: “Hồi ba hứa với ông bà ngoại ba rồi có giữ được lời hứa không ba?”. Ba cười: “Ba hứa được và làm được thật mà. Không tin, con hỏi mẹ xem mẹ con có phải làm việc gì mẹ không thích hay không?”.

Mẹ tôi mỉm cười xác nhận: “Ừ, đúng là tới giờ mẹ chỉ làm việc gì mẹ thích. Ba có giữ lời”. Em út tôi cắc cớ: “Ngoại từng nói mẹ không thích động tay chân vào bếp mà?”.

Mẹ lại cười xòa: “Ừ đó là thời con gái. Chứ sau khi yêu ba con, mẹ muốn nấu cho người mình thương những món ăn ngon… Khi các con ra đời, sở thích này trở thành niềm đam mê của mẹ. Đã thích, đã mê thì mẹ làm được”.

Út lại hỏi: “Vậy ba có thay đổi không ha ba? Ba có thích những cái trước đây ba từng hoàn toàn không thích không?”.

Ba hắng giọng: “Ừm, thì có thay đổi nè, tóc ba bạc đi, bụng ba to hơn…”.

Cả nhà cười không dứt bởi mỗi chị em cứ chêm vào từng câu một: “Ba phong độ hơn, ba nịnh mẹ giỏi hơn, ba nhiều chuyện hơn…”. Ai nói gì ba cũng chịu và cười tươi sảng khoái.

Rồi ba tôi trầm giọng kể: “Ba cũng thay đổi sở thích. Như trước đây ba rất thích ngủ nướng. Đến khi lấy mẹ, vì biết mẹ thích ngắm bình minh, uống trà buổi sớm, ba cũng dần yêu cái cảm giác được cà phê sáng trên ban công nhà mỗi ngày. Trước đây ba rất ghét nhạc, vì nhà nội từng bán cà phê. Hơn 15 năm trời, từ 4g sáng đến 22g đêm mỗi ngày, ba phải nghe đủ thể loại nhạc theo yêu cầu của khách. Từng có những lúc ba có cảm giác bị “bội thực” về âm nhạc. Từ “thư giãn” với ba từng có nghĩa là được sống trong không gian yên tĩnh, không chút tiếng ồn. Nhưng khi sống chung với mẹ, mỗi lúc về nhà, nghe tiếng nhạc dặt dìu từ nơi phòng bếp, ba dần thay đổi lúc nào không hay. Khi mẹ nói ba dạy con học chữ bằng karaoke, ba cũng vui vẻ ngân nga theo điệu nhạc…".

Mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi cuộc hôn nhân đều xuất phát điểm không hế giống nhau, nhưng khi bước vào hành trình hôn nhân, bài học về cách vun vén yêu thương của ba mẹ vô cùng quý giá. Như ba tôi từng nói, lý do cả ba và mẹ thay đổi ban đầu là vì “yêu ai yêu cả đường đi” với chồng/ với vợ. Nhưng càng chung sống, họ nhận ra nếu không thay đổi chính mình sẽ tụt hậu trong mối quan hệ hôn nhân. Yêu với họ là thích cả những điều chưa từng thích, làm được những việc vẫn tưởng chẳng bao giờ sẽ động tay… miễn mang lại cho người bạn đời và tổ ấm của mình những niềm vui.

Theo phụ nữ TPHCM