Mất mấy năm trời chị mới cảm nhận được tình cảm của má chồng. Bà là người không giỏi thể hiện bằng lời nói. Ngay việc cưới hỏi của con trai, bà cũng để cho con cái tự sắp xếp mọi chuyện. Công việc của bà là ở ngoài chợ, quanh năm buôn bán. Lúc cháu đầu lòng ra đời, bà không có mặt, điều ấy khiến chị có phần tủi thân.

leftcenterrightdel
 Nhiều năm làm dâu, chị mới dần cảm nhận được tình cảm của má (ảnh minh họa)

Những năm tháng còn trẻ, má chồng không dành thời gian nhiều cho con cái. Nói thẳng ra là bà không giỏi chăm từng miếng ăn giấc ngủ. Bà thuê một người trông giúp, rồi cứ thế con cái lớn lên, may sao cả 2 anh em đều khỏe mạnh ít ốm vặt. Hồi mới về làm dâu nghe kể lại, chị nghĩ bà là người lạnh lùng, ít quan tâm chuyện tình cảm. Rồi một lần ra chợ, chị chứng kiến bà cãi nhau tay đôi với một bạn hàng, từ đó chị lại càng khép mình hơn với mẹ chồng, vì sợ lỡ sai gì sẽ bị bà la mắng.

Má rất giỏi buôn bán, một mình bà kiếm tiền lo đủ cho cả gia đình. Nhưng cuộc sống hôn nhân của bà không thuận lợi như thế. Má đơn thân sống với 2 con đã nhiều năm, chỉ đến khi có dâu xuất hiện và khi có em bé thì không khí trong nhà mới bắt đầu xôm tụ.

Nửa năm nay, má phải nghỉ làm vì 2 chân đau yếu. Cũng từ thời gian này chị gần gũi má nhiều hơn. Biết má buồn nên con cái cứ lâu lâu lại về quê thăm nom. Việc nghỉ buôn bán khiến bà trở nên đổi khác. Bà bắt đầu dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.

Mấy ngày gần tết, chị càng cảm nhận rõ hơn tình yêu thương của má. Bà tập làm nhiều món ngon, tự học công thức trên mạng, gọi điện hỏi các dì. Mỗi khi làm được món mới, bà lại gọi điện lên khoe, bắt đầu bằng câu nói rất đơn giản: "Kỳ này má làm khô bò viên ngon rồi, mốt má gửi lên cho mấy đứa ăn thử".

Có vậy thôi mà chị thấy ấm lòng. Chồng chị và các con cũng thấy vui. Anh bảo cả đời anh ít khi được gần gũi má, có chăng nhiều nhất là những lần ở ngoài sạp hàng, nghe tiếng má sang sảng nói chuyện với khách. Bà không có thời gian để nói lời yêu thương nhiều với anh, lúc bà về thì anh cũng đã ngủ. Lúc anh dậy thì bà đã ra ngoài chợ. Bây giờ, mỗi người trong nhà bắt đầu cảm thấy không khí gia đình rõ ràng hơn, mùi tết cũng... đậm hơn.

Má còn trồng mấy chậu bông hướng dương, mào gà rồi ngày nào cũng tất bật tưới dù 2 chân vẫn còn đau nhức. Chị tự hỏi điều gì khiến người ta thay đổi? Là thời gian, là tình thân, là biến cố, hay là một sự kết thúc để mở đầu như chính những gì má đang có. Công việc ở ngoài sạp hàng mà cả đời má gắn chặt bây giờ bỗng chỉ thoảng như gió. Má bắt đầu yêu hơn những buổi sáng ngồi bào dừa làm mứt, yêu hơn cả tiếng tivi mở những bài hát đón xuân sang.

Mới tuần trước, má ghé lên Sài Gòn khám bệnh, lúc về má khẽ khàng đưa cho chị mấy triệu đồng nói rằng để chị sắm đồ dịp tết. Chị không dám cầm, mẹ con cứ đẩy qua đẩy lại miết. Đến khi má gắt: “Má biết tụi bay năm nay làm ăn không dư dả mới cho. Cầm lấy mà xài. Đừng để tiền bạc làm cái tết nó buồn”.

Chị không còn sợ má như ngày xưa, giờ đây chị thấy má hiền và thương con thương cháu, dù rằng cách nói chuyện của má sang sảng.

Ngày xưa chị đọc được ở đâu đó mấy câu: “Hiểu rồi thì sẽ thấy thương/ Thương rồi thì sẽ chấp nhận con đường của nhau”. Con đường của má vốn nhiều gập ghềnh, đến bây giờ chị mới hiểu, mới biết thương má.

Theo phụ nữ TPHCM