Bạn nhắn cho tôi: “Nhờ nghỉ vài ngày ở nhà mà mình xem được mấy bộ phim hay quá!”. Với tín đồ “cày” phim thì nghe “xem mấy bộ phim” là bình thường, nhưng cô bạn tôi rất ít xem phim, thậm chí khước từ phim. Bạn cho rằng, thời gian đó để làm việc khác bổ ích hơn, nên việc xem liền tù tì mấy bộ phim quả là kỳ tích.

Bạn chia sẻ: “Lời thoại trong phim cũng sâu sắc, diễn biến tâm lý nhân vật hay. Nói chung, vừa giải trí nhưng cũng rút ra nhiều bài học cho mình. Hóa ra lâu nay mình đã bỏ qua nhiều thứ thú vị trong cuộc sống!”.

leftcenterrightdel
Hãy cho mình có những cuộc gặp gỡ chẳng liên quan đến công việc (ảnh minh họa) 

Tôi lại nhớ đến cô cháu gái đang ở tuổi đại học. Mỗi trưa cuối tuần, cháu đi học về ghé sang tôi ăn trưa và ở lại chừng 2 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, ăn xong, cháu chỉ chợp mắt hơn 10 phút rồi bật dậy, ngồi vào luyện đàn piano. Một lần tôi hỏi sao cháu không ngủ thêm chút cho khỏe người? Cháu nói là phải tranh thủ thời gian luyện đàn, chứ đã học mà để lâu không ôn lại sẽ quên.  

 
Dù chỉ đang đi học thôi, nhưng tôi thấy cháu luôn tất bật. Thời khóa biểu kín lịch hơn cả người trưởng thành đi làm. Cháu luôn phải tính toán không để thời gian trống lãng phí. Vì vậy mà bất cứ khung giờ trống nào, cháu liền sắp lịch thêm cho mình, đọc thêm sách kiến thức, học tiếng Anh, tìm hiểu một lĩnh vực mới, tham gia khóa học online…

Đúng là mỗi tuổi mỗi khác. Hồi bằng tuổi cháu, tôi không chạy đua với thời gian như vậy. Những lúc rảnh, tôi cho phép mình làm những gì mình thích. Có khi thứ tôi thích chỉ là nằm dài ra, chẳng làm gì.

Trong bữa ăn, tôi hỏi cháu sao lúc nào cũng phải tất bật lên như vậy? Sao cháu không thả lỏng ra một chút, cho cơ thể nghỉ ngơi để nạp năng lượng? Cháu nói rằng, cháu phải làm như vậy thì mới không áp lực. Cháu luôn bị nỗi áp lực vô hình nào đó, khiến bản thân thấy sợ, luôn nhắc nhở mình phải thật cố gắng. Cháu muốn xong đại học phải có chỗ làm tốt, thu nhập cao, phải là người giỏi giang mọi mặt và có kiến thức rộng nữa…

Cháu còn nói nhiều lắm, đó cũng là những tiêu chuẩn mà không ít người thành công hướng tới. Biết vậy nhưng tôi vẫn hỏi lại cháu: “Tất cả những thứ đó để làm gì?”. Cháu nhẹ nhàng trả lời: "Vì mẹ cháu muốn như vậy".

“Nhưng cháu có thấy vui vì điều đó không?”. Cháu im lặng. Thật lâu sau cháu mới nói dạo gần đây cháu nhận ra mình không thể vui cười như bạn đồng trang lứa. Có những chuyện khiến bạn bè cười sảng khoái, mà mình thấy chẳng có gì để cười.

Tôi hỏi cháu muốn sống một cuộc sống như thế nào? Cháu nói cháu cũng không rõ. Chỉ là cháu luôn sợ cháu làm sai, sợ mọi thứ không hoàn hảo, sợ mẹ buồn…

Rồi một ngày, tôi nghe chị gái gọi nói cháu mới nhập viện vì suy nhược cơ thể. Tôi chỉ biết nói với chị rằng tạo điều kiện cho cháu nghỉ ngơi nhiều hơn, làm những việc cháu thích.

Mỗi khi đọc trên mạng thấy thông tin trẻ em tự vẫn, tôi lại nhói lên nỗi thương cảm và lo cho cháu. Ngày nay, áp lực cuộc sống không còn chừa lứa tuổi nào. Nếu như thời của tôi, mọi thứ thả lỏng hơn. Trẻ em thiếu thốn điều kiện vật chất nhưng niềm vui tinh thần thì luôn đủ đầy. Tôi lớn lên cũng không bị áp lực từ sự mong đợi của người lớn. Học xong đại học, tự tìm việc làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống và tích góp để có tài sản. Tôi không quá nổi bật và có kế hoạch phấn đấu rõ ràng 3 năm, 5 năm như những người khác, nhưng tôi vẫn từng bước gặt hái cho bản thân mình những kinh nghiệm, giá trị sống. Và trên hết là sự bình an trong nội tại!

leftcenterrightdel
Nhiều người phụ nữ đã biết nạp năng lượng cho bản thân bằng những phút giây thư thái (ảnh minh họa) 

Ngoài 30 tuổi, tôi mua được căn hộ chung cư nho nhỏ ở trung tâm thành phố. Dù trong nhóm bạn, tôi là người mua được nhà sớm, nhưng nhìn lại, tôi vẫn không quá tất bật đi sớm về khuya, cày ngày cày đêm để đạt tới mục tiêu tài chính. Chị bạn thân nhìn vẻ tà tà, bình thản của tôi, vậy mà mọi thứ ổn cả, chị chép miệng chọc: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ là có thật”.

Điều tôi cảm thấy may mắn là tôi luôn có sự thảnh thơi trong cuộc sống, và một nội tâm vững vàng trước những sóng gió không thể tránh. Dù ở đoạn đường nào đi nữa, tôi luôn dành thời gian cho mình, cân bằng bản thân bằng sự thư giãn, làm những gì mình thích.

Tôi nói với cô bạn một câu cũ rích, là hãy yêu thương bản thân mình. Tuy cũ, nhưng tôi tin đó là bài học mỗi người cần tự nhắc nhở. Trong cuốn sách Ikigai, tác giả cũng đề cập đến vấn đề này: “Một khi nhu cầu cá nhân của bạn được đáp ứng, bạn sẽ biết cách chăm sóc tốt hơn cho những người thân yêu. Từ đó, cuộc sống sẽ cân bằng, tốt đẹp hơn mỗi ngày”.

Tôi yêu câu nói: “Hạnh phúc là hành trình chứ không phải điểm đến”. Vì vậy, đừng quá dấn thân cắm cúi leo lên một ngọn núi, vì có khi hoa thơm cỏ lạ dọc đường đi còn đẹp hơn cả trên đỉnh núi kia.

Theo phụ nữ TPHCM