Sau mỗi cuộc hôn nhân đổ vỡ, thông thường người ta sẽ hay nói câu "cô ấy đã hi sinh cả tuổi xuân của mình, thế mà giờ lại như vậy. Thương quá". Thế nhưng, người trong cuộc chưa hẳn đã nghĩ vậy và chắc hẳn họ cũng không muốn bị nghĩ như vậy.
Tại sao cứ nghĩ rằng ly hôn là phụ nữ bị thiệt thòi, thế trong quá trình chung sống vợ chồng, họ không có vai trò gì hay sao? Họ luôn bị động trong cuộc hôn nhân của mình và kể cả khi nó tan vỡ cũng vậy? Hoàn toàn không phải như vậy. Có một thực tế mà không hẳn nhiều người đã biết, ở Việt Nam, theo thống kê có tới 70% vụ ly hôn do phụ nữ đứng đơn.
Thế rồi, hẳn chúng ta đã từng nhiều lần chứng kiến một cuộc hôn nhân tan vỡ, người ta thường an ủi đàn ông rằng: "Thôi buồn làm gì. Giỏi như mày quơ đâu chẳng ra gái trẻ. Bỏ con mụ quá đát ấy là đúng rồi". Suy nghĩ đó cũng là một dạng định kiến giới trong ly hôn. Đâu phải ly hôn là tồi tệ đối với phụ nữ và giải thoát cho đàn ông. Cũng đâu phải ly hôn sẽ giúp người đàn ông tìm kiếm được một phụ nữ xinh đẹp hơn và có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Ở một khía cạnh khác, nhiều người cứ nghĩ đàn ông ly hôn vợ là vì người thứ ba. Đó cũng là một dạng định kiến không nên tồn tại. Khi các cặp đôi chia tay, không nhất thiết do người chồng ruồng bỏ người vợ để theo một cô gái trẻ đẹp. Đằng sau sự đồn đoán ấy là định kiến coi thường đàn ông. Họ bị coi như giống loài ham "của lạ" và nông cạn trong tình yêu. Trái tim họ hời hợt đến mức vì sự rung động trước vẻ ngoài mà bỏ qua chiều sâu của tâm hồn, những giá trị của hôn nhân như thủy chung, nghĩa tình hay vẻ đẹp trí tuệ. Một người đàn ông trưởng thành hẳn sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi tấm chân tình của mình bị đem ra đo đạc bằng cây thước ngắn ngủn và những tiêu chí nông cạn.
Nguy hiểm hơn, định kiến này không chỉ coi thường sự trưởng thành của người đàn ông mà còn bẻ xiên khái niệm "đàn ông thành đạt". "Đại gia" thì phải đi với "chân dài". Nhan sắc phụ nữ trở thành thứ huy chương, một kiểu trang sức, một loại chiến lợi phẩm để chứng tỏ anh ta giỏi giang.
Ở một mặt khác, phụ nữ trong cuộc ly hôn chưa chắc đã cần thương cảm. Thanh xuân của cô ấy không cần bị coi là món đồ quý bị trả vào hư không. Khi ta tự động "xót xa" cho phụ nữ có hôn nhân đổ vỡ dù chưa hiểu ngọn ngành câu chuyện chứng tỏ một định kiến rằng: Phụ nữ tồn tại chỉ với mục đích hy sinh cho một người đàn ông. Khi ly hôn xảy ra, đương nhiên là phụ nữ bị gạt ra chứ không đời nào cô ấy từ bỏ mục đích hy sinh cho gia đình và người chồng. Người phụ nữ không phải chủ thể của hạnh phúc do mình tạo ra. Cô nhất thiết phải có đàn ông là lý do để sống.
Ly hôn không hẳn là một sự kết thúc, đó có thể là một khởi đầu mới tốt đẹp hơn với cả hai. Vì vậy, hãy nhìn nhận nó bằng một cái nhìn tích cực để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Buông bỏ định kiến để ta cho phép mình nhìn về cơ hội trong tương lai, thay vì luyến tiếc những gì đã mất ở quá khứ.
Tuệ Lâm