Cô Thanh Tâm yêu quý!
Nhà cháu có hai anh em trai. Anh cháu công tác trên miền núi, lấy vợ và định cư tại đó. Cháu học xong, ở lại Hà Nội làm việc. Để các con của anh và hai con của cháu gắn bó, thân thiết, mỗi năm, cháu thường đón bọn trẻ nhà anh xuống nhà cháu chơi dịp hè, còn dịp Tết thì hai gia đình sẽ hẹn nhau để cùng về ông bà ăn Tết.
Năm nay, cháu út bị ốm nên không được về nhà cô chú chơi, chỉ có anh học lớp 8 được bố mẹ gửi xe khách quen về Hà Nội. Lúc hai cô cháu đón nhau vui mừng bao nhiêu thì đến lúc về nhà, cháu dỗi đằng cháu, cô "tăng xông" đằng cô.
Chẳng là thằng bé nói chuyện với người lớn như ngang hàng, toàn nói trống không. Cháu có góp ý thì thằng bé dỗi, bỏ vào ngồi một góc, không nói chuyện với ai. Anh lớn hơn mà tranh giành đồ chơi với 2 em. Nếu các em nhường thì mọi chuyện êm đẹp, còn không là anh chửi bậy.
Đặc biệt khi chơi các trò cá ngựa, cờ tỉ phú, các em mà may mắn thắng thì sẽ bị anh hắt hủi, không chơi cùng nữa. Đến bữa cơm, thằng bé toàn thò tay vào bốc nếm đồ ăn, cái gì thích ăn là trút nửa đĩa vào bát của mình, không để ý đến những người xung quanh. Cháu mang theo người khá nhiều tiền, nói là bà ngoại cho để lên Hà Nội thích mua gì thì mua, thích ăn gì thì ăn.
Khi cháu góp ý với thằng bé nên cất tiền đi, cô chú sẽ cho tiền mua sách và nấu các món mà cháu thích thì thằng bé tỏ ý không hài lòng, vùng vằng bảo đã biết đường đi siêu thị, nhà sách, không cần ai phải dẫn.
Thắng bé là người tò mò, thích tháo ra lắp vào những món đồ mới lạ với mình, từ mô hình đồ chơi đến cái quạt bị hỏng, thậm chí máy hút bụi cháu cũng tháo tung ra, đến khi không lắp lại được mới thôi. Cháu mong cô chỉ giúp cháu cách kìm cương "con ngựa non" này với ạ!
Lê Thị Ngọc (Hà Nội)
Ngọc thân mến!
Học sinh lớp 8 bắt đầu có những biến đổi cả về thể chất, cảm xúc và thường dễ phản ứng một cách mạnh mẽ. Cậu bé tò mò với nhiều thứ, muốn là trung tâm của vũ trụ, muốn thể hiện mình đã lớn mà sẵn sàng đối đầu với người lớn, bắt nạt trẻ con trong nhà.
Bọn trẻ cũng dễ bị nhiễm nói tục, chửi bậy. Cách tốt nhất với cháu trong trường hợp này là không ra sức công kích, mắng mỏ cháu mà hãy chấp nhận việc thằng bé đang có nhiều bức bối trong lòng, đang muốn thể hiện, khẳng định bản thân.
Trước mỗi việc sai, hãy nói rõ cách cháu làm khi ở tuổi của thằng bé, sự thay đổi này có gì tốt, có gì cần giữ bản sắc của cá nhân cháu. Việc bình luận khách quan, không "dìm hàng" sẽ khiến đứa trẻ kiên nhẫn nghe hết và tự rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, cháu hãy hỏi rõ và tôn trọng những dự định trong chuyến đi chơi này của cậu bé, cùng thảo luận về các phương án thực hiện để cháu tự lựa chọn phương án phù hợp. Để việc tò mò, ưa khám phá của cậu bé trở nên có ích, không phá hỏng đồ thì nên có lịch hẹn cùng lau dọn, sửa chữa với chú để chú hướng dẫn đầy đủ, dễ hiểu và dễ ứng dụng.
Đặc biệt, cháu nên hướng cậu bé vào những hoạt động thể chất cùng các em như đi bơi, đi tham quan, để đứa trẻ tiêu hao năng lượng và luôn được khám phá nhiều cái mới, biết thêm nhiều điều mới mẻ.
Thanh Tâm