leftcenterrightdel
 

Ngày bé ai mà chẳng hờn dỗi bố mẹ người thân, anh chị em trong nhà. Sau mỗi lần như thế có thể chúng ta sẽ nhận về những bài học quý giá, mọi người trong nhà cũng hiểu nhau và gắn kết hơn.

Nhưng với gia đình tôi thì mỗi lần con cái giận bố mẹ là một lần thêm sứt mẻ. Đến bây giờ thì tình cảm ruột thịt đã hoàn toàn tan vỡ, gia đình ly tán mỗi người một nơi, cứ nghĩ đến là trái tim tôi đau đớn vô cùng.

Tất cả bắt nguồn từ quãng thời gian bố tôi thất nghiệp. Khi đó tôi học lớp 7, còn chị gái tôi học lớp 10. Mẹ tôi bận bán hàng ngoài chợ nên lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Bố tôi làm thợ máy, khi xí nghiệp cải tổ thì ông mất việc. Kể từ lúc ấy bố tôi sa vào cờ bạc đỏ đen, suốt ngày nhậu nhẹt cùng hội vô công rồi nghề trong xóm.

Một ngày nọ mẹ dặn 2 chị em ở nhà nấu cơm nhưng tôi không thấy nồi cơm điện đâu cả. Trưa mẹ về thấy gạo sống trên bếp thì giận lắm, mắng 2 chị em tôi lên bờ xuống ruộng. Thế nhưng sự thật là lục tung cả nhà lên cũng không thấy nồi đâu, mẹ liền sai chúng tôi đi tìm bố về.

Chạy khắp nơi mới thấy bố đang hò hét ầm ĩ bên sới bạc. Ông đuổi chúng tôi đi và đến tận tối mịt mới lảo đảo về hỏi chuyện cơm cháo. Mẹ bực bội nói trộm vào nhà lấy mất nồi cơm, bố ngẩn ra một lúc rồi tự “khoe” rằng ông đã đem nồi đi bán cho đồng nát.

Vài chục bạc khi ấy cũng đủ để bố chơi từ sáng đến tối với hội đỏ đen. Khi nào hết tiền thì ông đi vay mượn, chỉ sau một thời gian ngắn cả xóm đều bảo nhau tránh xa bố tôi ra vì sợ bị vay. Hồi đầu mẹ tôi còn cắn răng lấy tiền chợ ra để trả nợ thay chồng, nhưng sau đấy bà cũng không thể gánh nổi nữa. Nồi niêu tủ ghế trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi. Đến con lợn đất của chị em tôi giấu sâu trong gầm giường cũng không thoát.

leftcenterrightdel
 

Thói đời một khi đã vấp vào đỏ đen thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn thua thắng bạc. Tiền thưởng học sinh giỏi của chị tôi để trong cặp sách cũng bị bố lấy mất, dù giấu kỹ thế nào cũng bị ông phát hiện ra và mang đi đánh bài. Mẹ con tôi chán nản lắm. Không biết bao nhiêu bữa chị em tôi phải nhịn vì bố mẹ cãi nhau đập hết bát đĩa ném ra sân.

Ông bà 2 bên cũng khuyên nhủ hết lời mà không được. Mấy lần bà nội sang nhà tôi khóc lóc, xin con trai nhìn lại các cháu mà sống. 2 chị em tôi đi đâu cũng gục mặt không dám ngẩng lên vì sợ bị người ta đòi nợ, chửi bới. Ở trường tôi còn bị bắt nạt vì đám bạn hàng xóm rêu rao chuyện tôi có ông bố hay say xỉn, chuyên đem đồ đạc trong nhà đi bán.

Chị tôi phải bỏ dở ước mơ học đại học vì không có tiền. Đi làm công nhân được đồng nào thì bố tôi lấy hết trả nợ. Suốt mấy năm ông không làm bất kỳ việc gì khác, cứ ở nhà ăn bám mẹ tôi và đánh chửi các con.

Cuộc sống gia đình tôi như rơi vào địa ngục. Đêm nào tôi cũng thấy mẹ khóc, có hôm mẹ còn hỏi chúng tôi có muốn theo mẹ đi nơi khác hay không. Dĩ nhiên 2 chị em đồng ý ngay lập tức. Nhưng mẹ con tôi làm gì có xu nào…

Cho tới một ngày năm tôi sắp tròn 17 tuổi, tự dưng bố bảo tôi mặc đồ thật đẹp rồi theo ông lên thị trấn. Ông mượn xe hàng xóm chở tôi đến cửa hàng lưu niệm. Tôi sợ hãi nên cứ đứng im, bố liền khoe mới thắng được vài triệu nên muốn tặng quà sinh nhật cho con gái.

Hiếm hoi thấy bố tỉnh táo và đối tốt với mình nên tôi vui lắm. Tôi mơ ước có bộ kẹp tóc mới từ lâu rồi nhưng giờ mới có điều kiện để mua. Chuẩn bị tính tiền thì bỗng dưng bố nhận được một cuộc điện thoại. Ngay lập tức ông kéo tôi đi về, vội đến mức bỏ luôn không mua quà nữa.

Dọc đường đi tôi cứ ấm ức buồn tủi. Còn bố thì huýt sáo như có chuyện gì vui lắm. Về tới nhà thấy mấy người khách lạ mặt đứng chờ sẵn, mẹ tôi đang cãi nhau khá căng thẳng với họ. Thấy chồng về một cái là bà lăn đùng ra khóc, hỏi đi hỏi lại rằng tại sao ông lại làm như thế.

Hoá ra bố tôi túng quẫn đến mức lén giấu mẹ tôi bán nhà! Ông sa ngã đến mức không thể cứu vãn nữa, lấy trộm giấy tờ để bán đi nơi trú nắng mưa duy nhất của mẹ con tôi. Dĩ nhiên mẹ cố gắng hết sức để ngăn cản nhưng kết cục bà cũng đành buông tay khi nghe số tiền mà bố tôi đã nợ.

Ngay hôm sau mẹ nộp đơn ly hôn và đưa 2 chị em tôi về quê ngoại. Mẹ tiếp tục trồng rau, nuôi gà cho tôi đi học nốt, còn chị tôi thì chẳng bao lâu sau cũng lấy chồng. Vài lần bố gọi điện doạ dẫm, bắt mẹ tôi phải quay về sống với ông. Thế nhưng mẹ tôi sớm đã chẳng còn tình cảm gì nữa, đến cả lòng thương hại với chồng cũng chẳng còn.

Tôi hiểu và thương mẹ hết sức nên bây giờ đi làm có tiền rồi thì tôi đưa bà đi du lịch khắp nơi, bù lại quãng thời gian u ám trước đây mẹ từng khổ cực. Chị tôi lấy chồng gần nên cũng hay đưa các cháu sang chơi. Nhìn mẹ cười vui mà chúng tôi thấy thật sự yên bình.

Chẳng biết bố tôi giờ sống ra sao. Tôi đã coi như mình không có bố từ lâu rồi. Có gan làm thì có gan chịu, liệu thời gian qua ông ấy có ân hận chút nào không?...

Mạn Ngọc