Anh Hoàng và chị Thu đều là giáo viên về hưu ở Tiền Giang. Sau bao năm tích cóp, anh chị đã mua được mấy công vườn để có thêm thu nhập từ hoa trái, cộng với lương hưu cũng đủ an hưởng tuổi già.
Anh chị có con trai là Thanh Minh đã 30 tuổi, con gái là Yến Mi năm nay 28 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học đều ở lại TP.HCM làm việc, thuê nhà trọ để tiện đi làm.
Thời sinh viên, hầu như mỗi cuối tuần hai anh em đều chở nhau về nhà trên chiếc xe máy cũ, trước là thăm ba mẹ, nhân tiện lấy gạo, thực phẩm đem lên ăn. Tiền ăn học được ba mẹ phát cho hằng tháng. Từ lúc tốt nghiệp rồi xin được việc làm, những chuyến về thăm nhà cứ thưa dần, dù bây giờ cả hai đều sắm được xe máy xịn.
|
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto |
Nhớ con, anh Hoàng và chị Thu thay phiên nhau gọi điện trò chuyện, nhắc các con về thăm, nhất là các dịp hiếu hỉ trong nhà hay lễ tết. Nhưng Thanh Minh và Yến Mi luôn viện cớ khất lần hồi. Có khi không nghe máy để tránh cuộc điện đàm với ba hoặc mẹ.
Anh chị quyết định bất ngờ lên tìm thăm hai con. Lần theo địa chỉ, anh chị dễ dàng tìm được nơi hai con đang ở trọ. Tranh thủ lúc các con đi làm chưa về, anh chị lân la hỏi thăm chủ nhà và vài người xung quanh xem các con sống ra sao, thì được nghe mọi người khen các con mình ngoan hiền, sống đàng hoàng tử tế. Anh chị lại nhìn nhau thắc mắc: “Vậy lý do gì mà các con cứ né tránh, không chịu về thăm nhà?”.
Thanh Minh và Yến Mi rất mừng khi ba mẹ bất chợt lên thăm. Sau khi cơm nước xong, cả nhà quây quần trò chuyện. Chị Thu không vòng vo, hỏi thẳng hai con: “Sao lâu nay hai con ít về thăm ba má?”.
Thanh Minh đưa mắt nhìn Yến Mi… Anh Hoàng ôn tồn: “Các con cứ nói đi, ba mẹ tin là sẽ có cách giải quyết”. Yến Mi ấp úng, Thanh Minh im lặng một lúc rồi nói: “Dạ, thật ra tụi con ngại về là vì… về lần nào, nhiều người gặp, ai cũng hỏi bao giờ lấy vợ, bao giờ lấy chồng? Không ít người còn hỏi tuổi, rồi chép miệng coi chừng ế nha bây…”.
Ở quê, tuổi xấp xỉ 30 người ta đã có con để ẵm bồng, nên thấy Thanh Minh và Yến Mi bước vào tuổi đó, lại có công ăn việc làm ổn định, nên ai cũng thắc mắc chuyện “bao giờ cưới vợ”, hoặc “bao giờ lấy chồng?”. Đối với mọi người, câu hỏi đó rất bình thường, như một lẽ đương nhiên khi gặp trai chưa vợ, gái chưa chồng mà đã sắp “băm”.
Yến Mi nói thêm: “Không phải chỉ người ngoài, mà chính ba mẹ cũng gây cho tụi con áp lực. Lần nào về ba mẹ cũng bàn chuyện sửa nhà, xây thêm phòng cho đứa này cưới vợ, đứa kia lấy chồng. Tụi con thấy sợ quá, cho nên…”.
Nghe đến đây, chị Thu bật khóc: “Nuôi con lớn lên ai mà không mong dựng vợ gả chồng cho con có đôi có bạn, để cha mẹ yên lòng, rồi có cháu nội ngoại hủ hỉ, an ủi tuổi già…”. Thanh Minh thở dài: “Đó! Mẹ cũng sợ tụi con ế, lại làm cho anh em con thêm căng thẳng. Trong khi tụi con chưa muốn, chưa nghĩ tới”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Hai thế hệ tranh luận tới khuya. Cuối cùng, anh Hoàng hứa: “Tụi con cứ về thăm ba mẹ mỗi tuần. Ba mẹ sẽ không bao giờ nhắc chuyện hôn nhân, cho đến khi nào tụi con tự nói với ba mẹ”. Chị Thu thêm: “Mẹ sẽ nhắc bà con họ hàng không hỏi các con về vấn đề đó. Mẹ bảo đảm chắc chắn với các con như vậy”.
Nhờ lời cam kết của cha mẹ, Thanh Minh và Yến Mi siêng về thăm nhà hơn. Mỗi lần có ai tới chơi anh chị cũng tranh thủ dặn nhỏ: “Đừng có hỏi chuyện kết hôn nghen, tụi nó không có thích”. Chị Thu giải thích: “Mới đầu vợ chồng tôi rất sốc và thấy con mình vô lý, vì câu hỏi đó chỉ là thói quen, là nếp xã giao của quê mình.
Nhưng khi suy nghĩ kỹ, vợ chồng tôi thấy không nên tạo áp lực về chuyện kết hôn cho các con chỉ vì thói quen thăm hỏi kiểu xã giao mà lại chạm vào vấn đề riêng tư.
Khi nào các con đã chuẩn bị chu đáo và mong muốn kết hôn thì các con tự quyết định. Có như vậy các con mới thoải mái khi bước vào cuộc sống hôn nhân”.
Theo phụ nữ TPHCM