Caroline Criado Perez là nhà văn, biên tập viên, nhà vận động nữ quyền người Anh. Nhiều năm qua, cô đã dùng tiếng nói và ngòi bút của mình để dành quyền bình đẳng cho phụ nữ. Phụ nữ vô hình - Bất bình đẳng từ khoảng trống dữ liệu là một nghiên cứu xã hội học khá đầy đủ và toàn diện của tác giả này về những bất công đang ẩn mình trong xã hội mà phái yếu phải chịu.

Ngay từ lời mở đầu của cuốn sách, tác giả đã chỉ ra rằng: công bằng hay bình đẳng không nằm ở việc chia đều cơ hội 50/50 với cả hai giới. Chúng ta phải nhìn ra được người phụ nữ cần gì và mang tới cho họ điều đó.

Để làm được như vậy, trong tất cả các nghiên cứu và khảo sát cần phân chia hệ thống dữ liệu theo giới tính. Nếu các đối tượng khảo sát trong một nghiên cứu phần lớn là đàn ông, từ đó rất dễ xảy ra việc các nhu cầu của người phụ nữ bị xem nhẹ. Đôi khi công bằng không đồng nghĩa với việc “chia đều” quyền lợi cho cả hai giới.

 
Cuốn sách Phụ nữ vô hình
 

Tác giả đã lấy ví dụ rất thú vị từ hệ thống nhà vệ sinh ở nơi công cộng. Diện tích dành cho WC nam và WC nữ là như nhau. Nhưng thực tế phụ nữ cần nhiều không gian hơn. Bởi khi mang thai, lúc có con nhỏ và vào những “ngày đặc biệt” của chu kỳ sinh lý, họ cần dùng nhà vệ sinh nhiều hơn.

Ở một số nước châu Âu, phụ nữ là đối tượng dùng phương tiện công cộng nhiều hơn. Nhưng phương tiện công cộng ở đây chủ yếu kết nối với các tòa nhà văn phòng, khu cao ốc, thay vì kết nối với các công trình an sinh xã hội như: trường học, bệnh viện, khu vui chơi… để phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ.

Phần lớn đàn ông có thu nhập cao hơn phụ nữ, nhưng phụ nữ mới là đối tượng làm việc nhiều hơn. Ngoài công việc ở văn phòng, phụ nữ đảm nhận phần lớn việc nhà, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ. Đáng tiếc, đó lại là những công việc không được trả lương, dẫn đến việc phần lớn sức lao động của phụ nữ không được công nhận.

Quan điểm “đàn ông chủ ngoại, đàn bà chủ nội” vẫn còn tồn tại trong phần lớn các gia đình. Thế nên, người vợ thường đảm nhận việc chăm sóc con nhỏ và cha mẹ già khi bị bệnh. Từ đó, dẫn đến việc họ phải dành thêm khoảng 3-6 giờ mỗi ngày để làm việc nhà, trong khi thời gian làm việc nhà của nam giới chỉ là  30 phút một ngày.

Gánh nặng mang tên “công việc gia đình” khiến phụ nữ ngại kết hôn và không muốn sinh con. Hôn nhân, khiến nhiều người phụ nữ cảm thấy mất đi tự do, biến họ thành con người khác mà họ không hề mong muốn.

Chốn công sở là nơi sự bất bình đẳng được thể hiện rõ nhất. Khi ký kết hợp đồng lao động, các nhà tuyển dụng thường ưu ái các ứng viên nam nhiều hơn. Mang thai, sinh con và nghỉ thai sản sẽ khiến phụ nữ phải tạm gác lại công việc trong một thời gian nhất định. Điều này bị xem là “quả bom nổ chậm” với các tập đoàn.

Để tránh rủi ro này, người ta thường ưu tiên tuyển dụng nam giới. Trong công việc, nhân viên nữ thường bị giao những công việc mang tính hành chính, liên quan tới giấy tờ nhiều hơn các đồng nghiệp nam. Đôi khi, những công việc đó không phải là nhiệm vụ và liên quan tới chuyên môn của họ.

Phụ nữ còn gặp nhiều bất lợi trong lĩnh vực y tế. Một điều thường thấy trong các nghiên cứu về thuốc và dược phẩm ở các thập niên trước là “đối tượng nghiên cứu và thử nghiệm thường là nam giới”. Khảo sát trên số đông người dùng, thì nam giới chiếm đa số. Cơ thể nam và nữ khác biệt ở nhiều đặc điểm, chứ không riêng gì chức năng sinh sản.

Điều đó dẫn đến việc nhiều phụ nữ không được chữa khỏi bệnh, do họ không được dùng loại thuốc phù hợp. Việc không nghiên cứu trên phần đông nữ giới, cũng dẫn tới việc các nhà sản xuất không biết loại thuốc đó có gây ảnh hưởng xấu tới phụ nữ mang thai hay không, dẫn đến những sai lầm dáng tiếc.

Cuốn sách Phụ nữ vô hình - Bất bình đẳng từ khoảng trống dữ liệu đem đến cho người đọc cái nhìn toàn diện, bao quát và tường tận hơn về bất bình đẳng giới trong nhiều mặt của đời sống. Cuốn sách này đã được dịch ra 30 thứ tiếng và đạt giải “Sách khoa học” của Hiệp hội Hoàng gia Anh.

  Theo phụ nữ TPHCM