Khi còn là đứa trẻ, chúng ta thường mơ: vào một ngày, chàng bạch mã hoàng tử với thanh gươm sáng chói sẽ trông thấy nàng Lọ Lem; bằng một phép màu nào đó, ngay cả khi nàng giấu mình đi, chàng vẫn tìm ra nàng, rồi cầu hôn và cả hai hạnh phúc đến cuối đời.
Những câu chuyện cổ tích vận vào đời người phụ nữ trong xã hội gia trưởng; khi yêu, họ trở nên bị động; bỏ đi ước mơ, kỳ vọng, thu nhỏ mình lại để vừa lòng người yêu. Để rồi, khi tình yêu không còn, họ bất lực không biết làm sao sống tiếp vì đã lỡ đặt cược đời mình cho người khác.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Sao mình không thể có tình thương?
Sinh ra ở miền Tây, từ nhỏ An Hạ được gửi lên Sài Gòn cho nhà dì Út chăm sóc. Cha mẹ mắc nợ người ta nên phải rày đây mai đó, chẳng thể đưa con theo cùng. Ngày An Hạ theo dì, đứa con nít 6 tuổi chẳng hay biết đời nó ra sao khi không còn cha mẹ bên cạnh. An Hạ nhớ nhà mà thắt ruột, chẳng dám chia sẻ với dì vì sợ người khác bận tâm.
Có lần, khi tan trường, cô bé ước gì có cha mẹ đến đón như người ta rồi hụt hẫng trở về nhà một mình. Ngày lễ, dì bảo các con xuống dưới nhà và dặn Hạ ở trên phòng vì đây là thời khắc thiêng liêng trong gia đình dì. Bị bỏ lại một mình trong căn phòng trống, Hạ nghe thấy tiếng hò reo của các em họ khi mở quà. Hạ tủi thân nói thầm: “Sao mình không thể có nó?”.
Nó không phải chỉ là những hộp quà, quần áo hay bánh kẹo. Nó còn là tình thương, sự quan tâm, sự kết nối, sẻ chia của người thân trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Không có nó, Hạ không cảm nhận được giá trị và sự quan trọng của bản thân… Bên trong cô gái nhỏ đã nhen nhóm một niềm tin mình không xứng đáng, rồi một ai đó cũng sẽ rời đi vì mình chẳng là người quan trọng.
Khi trưởng thành, An Hạ làm cho một công ty truyền thông có tiếng. Sự trẻ trung, tự tin khi diễn thuyết trước đám đông khiến cô có nhiều khán giả hâm mộ. Trong một lần chạm mặt ở công ty, Kiến Văn đã đem lòng thương Hạ nhưng chẳng dám nói. “Mưa dầm thấm sâu”, với sự chân thành quan tâm của Văn, cô cho mình cơ hội tìm hiểu và thương lúc nào không hay.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Trong tình cảm, Hạ lo cho anh mọi thứ và không muốn tách rời anh nửa bước. Sự đáp lại kém nhiệt tình của Văn mỗi khi anh bận việc hay đi công tác khiến cô rối bời. Đã đôi lần không chịu nổi sự im lặng, Hạ nhắn tin chia tay vì quá căng thẳng và lo lắng, nhưng sau đó cô lại níu kéo. Một tiếng nói trong nội tâm vang lên: “Mình đã quá vội vàng. Nếu mình kiên nhẫn hơn thì mọi chuyện sẽ khác. Đây là lỗi của mình. Mình thật sự quá tệ”.
Rồi một ngày, Kiến Văn nói dừng lại. Tự dưng, An Hạ thấy nhẹ lòng bởi mình không còn phụ thuộc vào người đàn ông này nữa. Nhưng trong sự cô tịch, cô không muốn điều đó xảy ra. Cảm giác như có ai đó nắm tay mình thật chặt rồi dùng hết sức đẩy mình ra xa giống như họ đang khước từ, bỏ rơi mình khiến cô tê dại.
Ngay lúc này, Hạ nhận ra những vết sẹo bị bỏ rơi trong tâm hồn từ nhiều năm trước chưa bao giờ lành lại. Phụ thuộc vào tình yêu chỉ khiến cô nhìn thấy nỗi đau của mình rõ hơn. Hạ có thể chữa lành những vết thương mới, nhưng nếu cô không chấp nhận những tổn thương trong quá khứ thì những tổn thương này sẽ trở thành sẹo, định hình cô cho đến khi Hạ nhận ra và yêu thương mình trở lại.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Em muốn là người duy nhất
Có cô gái thay đổi đến khó tin khi đã có người yêu. Cô không màng đến gia đình, bạn bè, ngay cả ước mơ của bản thân trong sự nghiệp cũng bỏ đi. Cô chỉ thích ở bên cạnh bạn trai và đòi hỏi anh ta phải luôn làm cho mình vui thích. Cô tưởng rằng đàn ông yêu mình ai cũng sẽ làm như vậy. Thực ra không phải thế! Đàn ông thường muốn tự do và dễ trở nên lo lắng sau khi gắn bó với ai đó; họ sợ liệu họ có còn được là mình nữa không.
Trước khi yêu, Chi Lan và Mạnh Triết là đồng nghiệp. Khi đó, lúc nào gặp nhau Lan cũng cười rất tươi. Những khi Triết có phiền muộn, chỉ cần gặp Lan, trông thấy nụ cười của cô là như cất được gánh nặng trong lòng. Nhưng từ khi bắt đầu yêu nhau, Lan đã đặt ra bao nhiêu luật lệ. Cô không bao giờ chấp nhận là cả buổi tối cuối tuần Triết ngồi chơi game hay xem bóng đá. Lan muốn anh phải xem cô là duy nhất và đó là quy luật trong tình yêu. Khi Triết thật thà giải thích về những ngày vắng mặt, Lan chia sẻ là cô một mình trong buồn tủi, cô đơn thế nào khi anh không ở bên cạnh. Hóa ra ngoài Triết, Lan không có niềm vui nào khác và anh phải chịu trách nhiệm về những lúc cô buồn.
Chi Lan chưa bao giờ có cảm giác an toàn trong tình yêu. Cô sợ người yêu bỏ rơi mình đến nỗi cô kiểm soát anh bằng mọi cách. Lan sợ người yêu mình giống cha - người luôn nói thương con gái nhất nhưng rồi khi chia tài sản ông lại chia phần hơn cho đứa con trai ngoài giá thú. Cô sợ mình giống mẹ - yêu cha để rồi nhận lại sự hờ hững đến nỗi phải thầm lặng sẻ chia tình yêu với người khác trong hiu quạnh.
Khi lệ thuộc, Chi Lan hay bị chán nản và thất vọng chỉ vì kỳ vọng quá nhiều vào người yêu. Trong tâm trạng lo âu đó, Lan rất dễ hoài nghi và nghĩ Triết không quan tâm đến mình. Lan thường đòi hỏi rất cao ở bạn trai và tất nhiên anh không thể nào đáp ứng được. Lan trở nên hờn giận, đau khổ rồi lại cố làm lành. Lan hay tự nói với mình “mình chẳng là gì cả” rồi nhanh chóng chìm sâu vào cảm giác bị quên lãng, bị bỏ rơi và chẳng còn chút giá trị nào mỗi khi được yêu.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Phụ nữ phụ thuộc vào tình yêu có hạnh phúc?
Khi trải qua một tuổi thơ không trọn vẹn do thiếu hụt tình yêu thương và sự quan tâm chân thành của cha mẹ, phụ nữ quen dần với việc làm vui lòng người khác để thấy bản thân có giá trị và để trốn tránh nỗi cô đơn, tránh cho mình không bị khước từ thêm lần nữa.
Mọi đứa trẻ sẽ học được cách gắn bó an toàn hay không trong tình cảm là từ mối quan hệ gắn bó với cha mẹ lúc nhỏ. Những bạn luôn cảm thấy không an toàn khi yêu thường rất hay suy nghĩ tiêu cực về chính mình. Khi yêu, họ cần sự đảm bảo của đối phương để thấy mình quan trọng. Với An Hạ, cô luôn hoài nghi về việc tại sao người khác có thể sống tốt khi họ rời bỏ cô khiến cô không bao giờ muốn một mình và dứt khoát.
Khi ta bám lấy một người có tình cảm với mình, ta mất đi mọi phẩm giá và hoài nghi bản thân, bởi không có người đó, ta chẳng còn nghĩa lý gì để sống. Nỗi sợ bị bỏ rơi càng lớn, bạn càng phụ thuộc; càng tôn sùng người mình yêu, bạn càng sợ hãi và đánh mất chính mình. Bạn phục tùng và phủ nhận giá trị của mọi thứ ngoài tình yêu của bạn.
Người bạn yêu trở nên tuyệt đối, quan trọng độc nhất trong cuộc sống của bạn, khiến những mối quan hệ xung quanh trở nên mờ nhạt. Bạn xa cách bản thân và người khác. Bạn chính thức nghiện người bạn yêu vì nghĩ mình không thể tồn tại nếu người đó rời xa hay bỏ rơi bạn.
Những gì không thể nhảy múa trên đầu môi sẽ đến la hét trong chiều sâu của tâm hồn. Càng đè nén cảm xúc, bạn càng mâu thuẫn giữa mong muốn từ bỏ trạng thái phụ thuộc cưỡng chế vào người khác và mong muốn duy trì nó khiến bạn trở nên rối bời, tức giận, đau đớn, bất an, bất lực và tuyệt vọng. Càng xung đột bạn càng thỏa hiệp. Bạn mất đi ý thức về chính mình.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Cuối cùng, tổn thương do bị phủ nhận, bỏ rơi, mặc cảm, đối xử bất công… trong gia đình bị đè nén bấy lâu nay lại được sống lại trong tình yêu. Điều này, một lần nữa cho An Hạ và Chi Lan cơ hội nhìn lại chính mình. Có một bài học cần được chính bạn rút ra: một nỗi đau, một tiếng nói kháng cự bên trong cần được đón nhận; nếu không, vòng lặp phụ thuộc tình cảm vẫn sẽ vây chiếm bạn cho đến hết đời.
Tình yêu không tạo ra nô lệ, mà chính những người yêu không đúng cách tự tước đi tự do của mình trong tình yêu. Thân phận của nô lệ thì không thể hưởng hạnh phúc. Yêu thương cũng là một phẩm chất mà trong đó cần có sự tiếp tay của những giá trị khác: tự trọng, tự tin, khiêm tốn, bao dung…
Theo phụ nữ TPHCM