Kính gửi chị Hạnh Dung,
Gia đình tôi có 3 anh em, tôi và anh trai đầu đã lập gia đình, còn em gái út năm nay 39 tuổi, vẫn sống một mình. Nhiều khi nhìn lại gia đình mình, con cái dần lớn lên, nhìn em gái vẫn đi về lẻ bóng, tôi xót xa lắm mà không biết làm sao.
Em gái tôi cũng có nhan sắc, ngày trước cũng có người yêu, cũng từng hạnh phúc. Không may, người yêu của em mất vì tai nạn. Từ đó đến giờ em một mình, không phải không có người theo đuổi, cha mẹ, anh chị cũng mối mai giới thiệu nhiều người, nhưng tất cả đều không đi tới đâu.
Trong phòng ngủ của em, những tấm ảnh em chụp với người yêu cũ vẫn treo trên tường. Bài hát 2 đứa yêu thích được cài làm nhạc chờ trong điện thoại của em. Màu áo em hay mặc, chiếc xe đang đi… tất cả đều liên quan đến người đã khuất. Chỉ có bạn bè ngày xưa là con bé từ chối không gặp, không nói chuyện, chắc con bé cũng chạnh lòng khi tất cả đều đã lập gia đình và thường khuyên con bé quên đi người cũ.
Cũng đã gần 12 năm, tôi không biết bao giờ chuyện mới nguôi trong lòng em. Tôi nghe người ta nói phải chủ động bước ra khỏi quá khứ thì mới đi tiếp được, mà em tôi thì cứ mãi ôm ấp những ngày xưa cũ. Ngay cả mái tóc em cũng không đổi kiểu, để y chang như ngày xưa.
Tôi cũng đã nhiều lần muốn làm gì đó để giúp em thay đổi, để em tìm được hạnh phúc. Nhưng mỗi lần vậy đều chạm lại nỗi đau cũ. Em tôi phản ứng, cho rằng tôi xúc phạm ký ức, em không cần chị thương hại, đừng can thiệp vào chuyện của em. Có 2 chị em gái với nhau mà càng ngày việc trò chuyện càng ít, càng khó. Tôi sợ nếu cứ thế này, em tôi thành gái già mất.
Trần Hạnh (TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Chị Trần Hạnh thân mến,
Có những biến cố trong đời đóng sập mọi cánh cửa, khiến người ta muốn mãi mãi nhốt mình, ôm chặt lấy nỗi đau. Chị thương em gái, muốn em mình bước tiếp, chị phải tìm lối bước vào không gian đóng kín đó, cầm lấy tay, dẫn cô ấy bước ra.
Nếu mình chỉ kêu gọi, giảng giải cho cô ấy đường đi, lấy quyền phụ huynh để phê phán việc cô ấy tự nhốt mình trong quá khứ… mình sẽ chỉ là kẻ đứng ngoài mà thôi. Cô ấy sẽ bưng tai bịt mắt, thậm chí có khi chị càng gọi, cô ấy càng cố bám vào quá khứ, càng phản ứng tách xa khỏi chị.
Chị nên dành thời gian và tâm trí cho em gái, đừng ngại khi cô ấy nhắc lại những kỷ niệm với người cũ, biết đâu khi lắng nghe thật lòng, từ những câu chuyện ấy, sẽ có lối mở để chị đưa em gái thoát khỏi ám ảnh của quá khứ.
Khi có thể chia sẻ được, cô ấy cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Thanh xuân dạt dào nhựa sống, tình yêu, nhưng thanh xuân cũng là khi trái tim còn quá non trẻ mà mỗi vết dao cắt vào đều đau đớn vô cùng, có khi thành vết thương không bao giờ có thể lành lại. Huống hồ với em gái chị, thanh xuân ấy gắn với người yêu dấu cũ, sinh ly tử biệt trở thành nỗi đau không nguôi.
Đừng vội vàng bảo em phải quên người cũ, đừng hối thúc chuyện yêu một ai khác hay kết hôn. Trước tiên, chị hãy đưa cô ấy quay trở về với nhịp sống của ngày hôm nay đã. Tìm cho cô ấy một điều gì đó để bận rộn: đi học, tập thể thao, du lịch, tham gia hoạt động xã hội…
Những việc này sẽ làm cho cô ấy xao lãng bớt chuyện cũ, cũng là thêm cơ hội để gặp gỡ bạn bè mới. Sửa chữa nhà cửa, tạo không gian mới, thay đổi màu sắc xung quanh cô ấy cũng là cách để em gái chị từ từ thay đổi.
Nói cách khác, có thể coi như em gái chị đang trong giai đoạn trầm cảm kéo dài, chị cần đầu tư thời gian trị bệnh cho cô ấy. Khi đã bình thường lại, quyết định sống một mình hay không là quyết định của cô ấy. Mỗi người có tính cách và số phận riêng.
Ai cũng xót xa tiếc những ngày tóc xanh, nhưng kỷ niệm của một người là vô giá đối với riêng người ấy, mình không thể áp đặt ai đó nên nhớ hay nên quên, buông bỏ hay khắc khoải mãi với người cũ, dù mình có yêu thương người ta đến thế nào. Mong chị nhẹ lòng.
Theo phụ nữ TPHCM