Chị Hạnh Dung kính mến,
Em lớn lên đã không biết mặt cha. Mẹ em kể ba em quê ở biên giới phía Bắc, vào miền Trung làm ăn rồi gặp mẹ. 2 người yêu nhau, cưới nhau rồi lập nghiệp tại quê mẹ. Hoàn cảnh khó khăn, mẹ lại sớm mang thai em nên chưa từng về quê chồng lần nào, chỉ gặp ông bà nội em 1 lần trong ngày vu quy.
Khi em được 3 tháng tuổi thì ông nội em mất. Ba em ra Bắc chịu tang rồi từ đó không quay lại. Mẹ em chờ đợi nhưng không có manh mối nào để liên lạc, chỉ tự nhủ lòng rằng ba phải ở lại nhà một thời gian để thay ông nội làm trụ cột. Rồi biến cố xảy ra, mẹ phải chuyển nhà. Lại thêm 1 lần mất dấu. Dù mẹ có để lại thông tin cho những người ở gần nhà cũ, phòng khi ba em quay lại tìm. Nhưng mãi vẫn không thấy ba.
Mẹ nuôi em lớn bằng những ký ức tốt đẹp về ba. Mẹ luôn tự trách mình ít học, “lạc hậu”, trách hoàn cảnh éo le khiến gia đình lạc nhau. Mẹ luôn dặn em khi lớn nhớ tìm về quê ba.
Cuối cùng thì em cũng tìm được ba. Ba gần 70 tuổi, đã có gia đình khác. Con trai đầu của ba với vợ mới chỉ nhỏ hơn em 1 tuổi. Tức là ba chưa từng quay lại tìm mẹ con em. Ba có nói rằng từng quay lại, nhưng cách trở sao đó mà không tìm được, nhưng em linh cảm ba nói dối.
Em khá thất vọng về ba và đau lòng khi nghĩ về mẹ. Mẹ em đã chờ đợi suốt 40 năm và gần như không bao giờ dám đi đâu khỏi quê, vì sợ lỡ cuộc tìm kiếm của ba. Giờ bà đã hơn 60 tuổi, em không muốn mang đến cho mẹ nỗi thất vọng này. Nhưng nếu giấu luôn thì liệu em có sống an ổn khi mẹ cứ thỉnh thoảng lại nhắc con “đi tìm ba”.
T. Dũng (TPHCM)
Dũng mến,
Quá khứ có thể có nhiều khúc mắc không thể nói hết. Có những sai lầm ta trót gây ra, rồi cuộc đời cuốn xô đi mãi, ta không kịp quay lại để sửa, thậm chí chỉ là để đối diện. Có thể sự biền biệt của ba em là một sai lầm kiểu như vậy. Nghĩ vậy, em sẽ thấy nhẹ lòng đôi chút khi nghĩ về ba.
Bây giờ, em có thể ghi nhận rằng mình có thêm một người thân. Nếu lòng chưa thoải mái, em không cần ép mình gặp gỡ. Cứ để mối quan hệ ấy tự nhiên, thoải mái nhất với em và chỉ làm những điều mình thật sự muốn, thay vì làm vì đạo lý, nghĩa vụ.
Với mẹ em, Hạnh Dung cho rằng bà có quyền biết sự thật. 60 tuổi, hay 99 tuổi thì người ta vẫn cần được sống trong nhận biết về cuộc đời họ. Mẹ em đã sống trong chờ đợi, trong ám ảnh rằng mình có trách nhiệm ngồi yên để chồng tìm được.
Hơn nữa, trong ám ảnh đó có cả một cảm giác tội lỗi, vì mình “ít học", “lạc hậu" mới gây cảnh loạn lạc. Vậy thì, sự thật kia dẫu buồn nhưng vẫn sẽ giúp mẹ thoát khỏi cảnh sống mơ hồ và chờ đợi điều không thể. Mẹ sẽ có động lực sống cuộc đời thực sự thuộc về mẹ. 60 tuổi vẫn còn rất sớm để thu xếp một cuộc đời cho riêng mình, có thể kết bạn, đi đó đi đây thay vì phải ngồi ở nhà và chờ đợi.
Hạnh Dung hiểu, sự thật về ba là nỗi buồn với em. Đó chắc chắn cũng sẽ là nỗi buồn của mẹ. Nhưng em nghĩ xem, mẹ đã sống trong nỗi buồn khác suốt gần 40 năm: nỗi buồn thất lạc người thân, nỗi buồn của những hy vọng và vô vọng kéo dài. Nỗi buồn ấy sẽ khó bề kết thúc.
Vậy thì, hãy trả nỗi buồn thật sự cho mẹ. Thà rằng mẹ đau nỗi đau có thật, đau về một thực tế đã diễn ra, để hiểu người và để đi qua nó; còn hơn là chìm đắm trong nỗi buồn của niềm hy vọng lẫn vô vọng triền miên.
Nói cách khác, cả em và mẹ cần dũng cảm đối diện với sự thật một lần, để thu xếp đời mình. Nỗi buồn sẽ qua đi.
Hãy tận hưởng niềm vui có mẹ, có con trong đời. Hơn lúc nào hết, có lẽ bây giờ em sẽ cần dựa vào triết lý “tri túc” của người Việt. Biết đủ là sẽ đủ. Em hãy nhìn vào những điều tốt đẹp em đã có trong đời và nhìn việc tìm thấy cha ở khía cạnh tốt đẹp: em đã biết quê nội, biết gốc gác bên cạnh một gia đình em vẫn có với mẹ. Còn lại, mọi thứ sẽ được làm ra từ đôi bàn tay em.
Hãy lạc quan về bản thân để có một tinh thần tốt mà gầy dựng mọi thứ, kể cả cảm thức về một gia đình, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM