Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi và anh đến với nhau được 7 năm, có 2 đứa con. Anh gia trưởng, áp đặt, nhưng tôi luôn nhịn vì con. Anh luôn liên hệ, giúp đỡ và giữ mối thân tình với nhà vợ cũ. Anh giải thích là vì cái nghĩa, vì con riêng của anh.

Anh cấm tôi không được ghen, tị nạnh với vợ cũ và con anh. Anh chưa lần nào đến dự đám giỗ nhà tôi với lý do anh rất bận, nhưng anh lại luôn xuất hiện ở nhà vợ cũ từ đám giỗ, đám cưới, đám ma hay sinh nhật của con anh.

Tôi chăm chút nấu bữa ăn cho anh thì anh chỉ ăn cho có lệ, rồi về sau anh kêu tôi khỏi nấu nữa, ăn ngoài cho tiện. Trong khi anh luôn nhắc chuyện nhà vợ cũ nấu cơm chăm sóc anh.

Tôi ủi, xếp cho anh từng cái quần cái áo. Thấy anh ho, tôi đi mua thuốc để sẵn trên bàn, nhưng anh thậm chí không đụng đến. Anh nói những lời khiến tôi tổn thương, kiểu như anh không cần ai chăm chút quần áo cho anh vì tự anh làm được.

Từ việc chăm lo nhà cửa, đến việc nuôi dạy con cái, tôi đều phải tự bỏ tiền ra, vì anh nói tiền của anh phải dùng để xây dựng tương lai. Tôi không biết tương lai của anh có mẹ con tôi ở đó không nữa.

Anh suốt ngày lo chuyện mua đất, mua nhà, mua xe cho con riêng của anh, chứ đã bao giờ nói sẽ để lại tài sản gì cho mẹ con tôi đâu. Tôi thấy bản thân như kẻ phục vụ không công cho anh. Vì trong lòng anh chỉ có nhà vợ cũ và con riêng của anh, dù cô ấy đã có thêm 2, 3 đời chồng và 1 đứa con riêng khác.

Tôi không hiểu tôi là gì của anh, và tôi có nên tiếp tục chung sống kiểu vậy nữa hay không?

Lan Vi

Chị Lan Vi thân mến,

Trước tiên, chị cần phải xác định rõ một điều: việc chồng chị có liên hệ với gia đình vợ cũ, chăm lo cho con riêng của anh ấy, là một việc hoàn toàn bình thường và đúng đắn. Hai người dù đã ly hôn, nhưng với những người sống có tình có nghĩa, thì mối liên hệ đó không bao giờ có thể dứt bỏ hoàn toàn.

Việc đó sẽ càng là điều phải có, khi giữa họ có những đứa con chung. Họ ly hôn, nhưng vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp để có thể cùng nhau chăm sóc con cái. Họ không còn là vợ chồng, nhưng những đứa trẻ vẫn cần có cha mẹ đầy đủ trong tình cảm của mình, và nhận được sự yêu thương của cả hai bên. Đó gọi là ly hôn một cách văn minh.

Như vậy thì việc anh yêu cầu chị không nên ghen và tị nạnh với gia đình vợ cũ của anh, là hoàn toàn bình thường, nếu như anh giữ mọi việc trong tầm ý nghĩa là để chăm lo dạy dỗ và mang đến cho đứa con bị thiệt thòi có được một tương lai tốt đẹp hơn. Chứ không phải núp dưới danh nghĩa này để nối lại quan hệ tình cảm với vợ cũ, lừa dối vợ mới và gia đình mới của anh ấy.

Như vậy thì, khi đã xác định được rõ ràng tư tưởng này, chị hãy cố gắng đừng so sánh chuyện anh đối xử thế nào với bên kia và đối xử thế nào với mình, mà phải tách hai điều đó ra hoàn toàn. Ngay cả nếu chị có khó chịu vì thấy anh gần gũi chăm sóc con riêng, thì cũng không nên mang nó ra làm lý do để cằn nhằn, so sánh. Nó sẽ khiến cho hình ảnh của chị trong anh trở nên rất xấu.

Hình ảnh một người vợ sau, mẹ kế bao dung, rộng lượng, tế nhị... sẽ luôn được người đời khâm phục, ca ngợi. Đặc biệt, nó khiến người chồng cảm thấy tin tưởng và được chia sẻ một mối lo chung, mà yêu thương, trân trọng người vợ mới của mình hơn.

Khi đã tách vấn đề con riêng của anh ra, thì chị chỉ cần chú trọng tới việc anh đối xử với chị và các con chung của anh chị ra sao, anh có làm tốt những nghĩa vụ, trách nhiệm của mình hay không, có những vấn đề gì giữa hai người chưa đủ thông cảm cho nhau?

Vì sao anh không thích ăn ở nhà? Vì sao anh không thích mặc đồ chị ủi? Vì sao anh không uống thuốc chị mua? Chị nên tìm ngọn nguồn của những điều như vậy. Bởi chẳng ai lại không thích được chăm sóc, yêu thương. Vợ chồng chung sống với nhau 7 năm, đã có với nhau 2 đứa con, mà giờ đây anh từ chối mọi sự chăm sóc của chị, thì chắc chắn phải có điều gì đó khiến anh cảm thấy không còn thoải mái và hạnh phúc khi được chăm sóc nữa.

Điều này càng lạ hơn khi chị kể rằng anh không nhận những điều chị làm cho anh, nhưng chị lại thấy mình là người phục vụ không công cho anh, thì việc phục vụ đó diễn ra vào lúc nào, như thế nào? Anh từ chối sự chăm sóc của chị trước, hay sau khi biết chị có ý nghĩ đó?

Hãy trò chuyện, trao đổi, lắng nghe... để cảm nhận được tình cảm của anh, hiểu những điều khiến anh khó chịu mệt mỏi, nói ra những gì làm mình phải buồn tủi, nghi ngờ, và cùng nhau giải quyết những vấn đề đó.

Khi anh là người sống biết giữ chữ nghĩa với gia đình vợ cũ, thực hiện trách nhiệm làm cha với con riêng của mình một cách tốt nhất, thì Hạnh Dung nghĩ anh cũng không phải là người có thể vô tình với vợ con hiện tại của mình. Chỉ cần chị có cách cư xử khéo léo, tế nhị và bao dung, để anh cảm thấy chị là chỗ dựa tinh thần, tin cậy và nể phục chị, thì chắc chắn mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

Theo phụ nữ TPHCM