Tuấn hơn tôi 2 tuổi. Tôi là thợ may còn anh là thợ thi công điện nước. Quen nhau khá lâu, tìm hiểu kỹ càng, chúng tôi mới bắt đầu tiến xa. 1 năm đầu sau khi cưới, tôi hoàn toàn tin tưởng vào cuộc hôn nhân màu hồng khi nó được xuất phát điểm từ tình yêu.

Ngoài thời gian đi làm, những lúc ở nhà, vợ chồng tôi luôn bên cạnh, cùng nhau san sẻ công việc. Ai có sở trường việc gì thì sẽ nhận làm việc ấy, không ai nề hà gì. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một vài sở thích chung như nghe nhạc, trồng cây cảnh, shopping… Vì chậm con, nên vợ chồng thường xuyên trò chuyện, sắp lịch trống để hẹn hò nhau đổi gió mỗi dịp cuối tuần.

Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Nhờ công việc thuận lợi và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tôi ngày càng đẹp mặn mà trong mắt người thân và bạn bè.

Thế rồi vào khoảng tháng 5/2018, trong một lần thi công công trình, chồng tôi bị rơi xuống từ tầng cao, vấp phải vật cản sắc nhọn khiến anh chấn thương nặng, phải nằm viện điều trị nhiều tháng trời. Bao nhiêu vốn liếng tích góp được, tôi đều mang ra chạy chữa thuốc men, mua đồ ăn ngon để bồi dưỡng, mong cho chồng mau chóng hồi phục. Mỗi ngày, tôi rút ngắn thời gian làm việc xuống để chăm sóc, hỗ trợ chồng. Tôi thường xuyên túc trực bên cạnh, khi thì xoa bóp, ấn huyệt, khi thì tỉ tê tâm sự, động viên để vực dậy tinh thần cho anh.

Thế nhưng, những cố gắng của tôi hầu như đều đổ sông đổ bể. Mấy tháng liền nằm trên giường, tinh thần chồng tôi nhanh chóng suy sụp. Anh càng cáu gắt, chán nản hơn khi việc phẫu thuật, điều trị không suôn sẻ như những bệnh nhân khác cùng phòng. Lần thì do cơ thể không đáp ứng thuốc, lần thì mô xương phát triển bị lệch, phải tháo vít ra chờ nắn, mổ lại nhiều lần…

leftcenterrightdel
 Nghiện game, chồng tôi không còn quan tâm đến cảm xúc người khác (ảnh minh họa)

Buông xuôi, chán chường dính lưng vào giường bệnh, chồng tôi ôm lấy điện thoại bắt đầu "cày" game. Tôi không rõ loại game mà chồng tôi chơi là gì, thuộc dạng đơn lẻ hay chiến đấu theo đội nhóm, nhưng những lúc anh ôm máy “ vào việc” đều sẽ phát ra những âm thanh giao chiến rất ầm ĩ.

Mỗi lần hóa thân vào nhân vật, chồng tôi ngay lập tức trở thành một con người hoàn toàn khác. Anh hầu như không nhìn thấy hay muốn lắng nghe bất kỳ điều gì diễn ra xung quanh mình nữa. Chỉ cần tôi gọi, anh sẽ ngay lập tức tỏ thái độ gắt gỏng, khó chịu. Đỉnh điểm, có lần anh còn lớn tiếng chửi bới, nạt nộ, hất đổ cả cặp lồng cơm còn nóng vào người tôi.

Một thời gian sau, khi bệnh tình thuyên giảm, chồng tôi được bác sĩ ký giấy đồng ý chuyển về điều trị tại nhà, không quên kèm theo lời dặn dò phải thường xuyên tập luyện để tránh biến chứng và hạn chế té ngã. Thế nhưng chồng tôi lại rất lười, thay vì chăm chỉ tập đi, anh thích ngồi một chỗ tiếp tục nướng thời gian vào trò chơi ảo. Anh chỉ chợp mắt khi cơ thể đã mệt mỏi rã rời.

Một năm 2018 đầy biến cố qua đi, năm 2019 đến, cuộc sống gia đình của vợ chồng tôi ngày càng rơi vào bế tắc. Dịch COVID-19 bùng phát, công việc may vá của tôi gặp nhiều khó khăn. Vì cả năm trước, tôi đã bận bịu theo chồng chữa bệnh nên không thể nhận hàng thường xuyên, một lượng khách quen nhanh chóng rời đi. Đến thời điểm sau này, khắp thành phố rơi vào giãn cách thì khách lạ cũng hoàn toàn vắng bóng, đơn hàng vì thế càng ngặt nghèo, hiếm hoi.

Tình hình tài chính chật vật, eo hẹp khiến tôi mệt mỏi, suy kiệt, tôi loay hoay, xoay xở chuyển hướng vừa may vá cầm chừng vừa bán hàng online để trang trải. Thế nhưng, chồng tôi vào thời điểm đó sức khỏe đã hồi phục vẫn không hề có động thái nào chia sẻ, đồng hành cùng tôi. Anh tiếp tục lấy lý do vì dịch bệnh, rãnh rỗi, giãn cách để chơi game, phó thác tất tần tật mọi việc cho tôi lo liệu.

leftcenterrightdel
 Tôi mạnh mẽ ly hôn, bước đi trên con đường mới (ảnh minh họa)

Lấy chồng lười thì đổ mồ hôi, lấy chồng ham chơi thì rơi nước mắt. Từ một người chủ động trong công việc, đồng điệu với bạn đời, chỉ vì xui rủi gặp tai nạn rồi sa đà vào nghiện ngập game, chồng tôi thành người lười nhác, ham chơi, thỉnh thoảng anh còn giở thói ngang ngược, hách dịch, bạo lực với vợ.

Sự ích kỷ của anh đã vượt giới hạn chịu đựng của tôi. Từ chỗ tủi thân, buồn bã, thường xuyên đứng khóc thầm khi nấu ăn, khi đứng trong nhà tắm… tôi trở nên mạnh mẽ, quyết đoán, chai lỳ. Tôi chẳng còn rơi nước mắt cũng không còn yêu thương chồng và không đặt thêm bất kỳ hy vọng nào nữa. Tôi là vợ chứ nào phải mẹ để luôn đùm bọc, yêu thương, chờ đợi anh vô điều kiện.

Sau vài lần nghiêm khắc cảnh cáo, đặt ra yêu cầu mà chồng vẫn bê tha, ngựa quen đường cũ. Đầu năm nay, tôi đã đơn phương ly hôn thành công.

Có người thân trách tôi phũ phàng, nhưng cũng có người động viên tôi: "Đó là cái giá kẻ nghiện game phải trả". Còn tôi, có nghề nghiệp trong tay, tôi chẳng sợ hãi bất cứ điều gì, tôi sẽ thênh thang bước trên con đường mới.

Theo phụ nữ TPHCM