Đọc dòng chia sẻ trên Facebook của NSƯT Hạnh Thúy về chuyện cha mẹ chị dù “cơm không lành, canh không ngọt” cũng xưng là anh em, rất nhiều người bày tỏ quan điểm quanh vấn đề này.

leftcenterrightdel
 Khi tranh cãi, khó ai giữ được bình tĩnh để không nói lời xúc phạm nhau (ảnh minh hoạ)

NSƯT Hạnh Thúy viết: “Gia đình mình không thật sự hạnh phúc. Thiệt. Vì ba mẹ mình hồi xưa có cãi nhau. Mỗi lần cãi nhau mình sợ lắm. Nhưng ba và mẹ luôn tự hào với nhau một điều: dù giận cỡ nào cũng không xưng hô gì khác ngoài anh và em. Có lần mẹ xưng tui, ba nói: “Ê không xưng tui nha!”. Rồi lại cãi nhau, nhưng vẫn “anh em”. Ba mẹ sau đó cũng chia xa nhưng gặp nhau cũng anh em, như hai người bạn có khi thân có khi không thân, nhưng chưa bao giờ kêu nhau mày tao mi tớ”. 

Dưới bài đăng, hầu hết các ý kiến cho rằng chuyện nhà Hạnh Thúy là kinh nghiệm quý cho hôn nhân, nhưng cũng không ít người nhận định: vấn đề xưng hô tôn trọng nhau trong hôn nhân tưởng giản đơn mà rất khó.

Từ trường hợp của mình, tôi cũng thấy rất khó. Vợ chồng tôi có giao kèo tương tự cha mẹ chị Hạnh Thúy, và giao kèo đó do tôi đưa ra. Yêu nhau 2 năm, cưới nhau về gần 2 năm nữa, như nhiều cặp vợ chồng khác, chúng tôi khó tránh những bất đồng. Người ta nói rằng 3 năm, 5 năm đầu hôn nhân là chặng khó nhất, nghĩ cũng đúng. Những chuyện vặt vãnh, tiểu tiết như đi vào nhà dép để chiếc trước, chiếc sau cũng làm tôi khó chịu. Ngày không có chuyện gì căng thẳng thì sao cũng được, nhưng bữa có gì bực tức sẵn, trong người tôi như có con sư tử chực nhảy ra.

Lúc giận quá không biết làm sao, miệng tôi lẩm bẩm bao nhiêu từ không hay, tôi ráng dặn lòng không được giận quá mất khôn, không được thô lỗ, xúc phạm chồng. Tôi nhớ mãi lần đó, vợ chồng giận nhau vì chuyện anh nhậu ở chỗ làm về muộn. Anh nói lý do vì dự án thành công nên mọi người ăn mừng, khó lòng về trước. Mặc anh nói đủ lý do, tôi ôm con nhỏ ngồi, tôi nói xẵng với anh: “Bớt nói lại!”.

leftcenterrightdel
 Trong đời sống hôn nhân, các cặp vợ chồng khó tránh những cự cãi, giận hờn (ảnh minh hoạ)

Chúng tôi im lặng vài ngày, rồi mọi chuyện cũng qua, gia đình lại vui vẻ. Nhưng có dịp nói chuyện lại sau đó, anh nói tôi đừng trống không như vậy, vì anh có làm thế với tôi đâu. Anh nói giao kèo là tôi đưa ra, anh chỉ có một điều kiện đi kèm là đừng tranh cãi lúc cả hai đang nóng giận, tránh nói lời xúc phạm nhau. Anh bảo câu nói đó và thái độ lúc đó của tôi làm anh chán nản nhiều ngày.

Tôi nghe anh nói vậy vẫn không bày tỏ sự đồng tình (chắc vì cái tôi quá lớn) nhưng rút kinh nghiệm là khi giận đừng nên đôi co, không nên "nói cho sướng miệng" rồi sau lại hối hận. Tôi biết rất khó để giữ mình “yên” khi xung quanh nhiều điều bất như ý, nên tôi thật lòng ngưỡng mộ những cặp vợ chồng giận nhau đến mấy vẫn tranh luận một cách văn minh, ôn hòa.

Chỉ mới 2 năm hôn nhân và còn chặng dài phía trước, khó lòng tránh những cãi vã lớn nhỏ, nhưng tôi thấy đặt ra những giao kèo và nỗ lực hết sức để giữ giao kèo cũng là điều hay. Cách xưng anh - em, cấm chuyện gọi nhau mày - tao khi nóng giận cũng có thể xem là chìa khóa để giữ trong nhau hình ảnh đẹp, tránh “hao mòn” tình yêu. Tôi đang tập và tôi nghĩ đây là gợi ý hay giúp giữ lửa hôn nhân.

Theo phụ nữ TPHCM