Kính gửi chị Hạnh Dung,
Vợ chồng em năm nay đều 38 tuổi, kết hôn được 10 năm và có 3 bé, con út mới 8 tháng tuổi. Mối quan hệ vợ chồng em đang rất căng thẳng. Ban đầu là mâu thuẫn giữa chồng và gia đình em.
Do ba mẹ em chia đất đai không đồng đều, thiên vị em gái út nhiều hơn một chút, trong khi sau này em lại là người chăm lo cho ba mẹ, nên chồng em không vui với cách chia như vậy. Thấy vậy, em có nói chuyện, cũng hơi nặng lời nên chồng em giận. Em đã xin lỗi, năn nỉ rất nhiều lần mà anh không bỏ qua.
Chồng em là người “để bụng”, bao nhiêu chuyện cũ từ hồi dịch COVID-19, giờ anh nhắc lại để trách móc em và gia đình em. Anh đi làm ở TPHCM, gần đây, mỗi lần anh về vợ chồng cãi nhau nhiều hơn. Anh nói anh đã hết tin tưởng và hết tình cảm với em, muốn chấm dứt hôn nhân, không muốn dính líu đến gia đình em nữa. Anh chỉ giữ quan hệ cha con, không cần vợ.
Em đã nhiều lần cầu xin, năn nỉ nhưng anh không chấp nhận. Vợ chồng ly thân từ sau tết. Đến nay, nghe bạn em nói, em mới biết anh có người thứ ba, dù bạn em chỉ mới thấy họ nhắn tin tán tỉnh rồi qua lại đi chơi chung với cả nhóm, không thấy đi riêng 2 người. Khi em hỏi, chồng không nhận, anh còn mắng chửi em. Nhưng mẹ chồng em nói chồng em như vậy là do em và gia đình bên ngoại đối xử tệ.
Hiện tại anh vẫn muốn chấm dứt hôn nhân. Em nuôi 3 đứa con, chồng vẫn gửi tiền chu cấp hằng tháng. Em không biết phải làm sao để chồng quay về, mong chị cho em lời khuyên…
Mỹ Liên (Long An)
|
Ảnh minh họa |
Em Mỹ Liên thân mến,
Em đang rối ruột rối gan vì chồng đòi ly hôn, em năn nỉ xin lỗi nhưng anh ấy vẫn khăng khăng chấm dứt quan hệ. Trong lúc này, em có thể dùng cách trì hoãn, để có thêm thời gian cho mình, cũng là để vợ chồng có thể suy nghĩ cân nhắc lại mọi chuyện.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. Con út của em mới 8 tháng, như vậy chỉ có em mới có quyền yêu cầu ly hôn.
Em có thể không cần quá căng thẳng viện dẫn luật, nhưng em cũng không cần phải khóc lóc năn nỉ. Hãy bình tĩnh nói với anh ấy: Chuyện ly hôn lúc này là chưa được, phần vì luật quy định, nhưng phần quan trọng nhất là em muốn giữ gìn gia đình, giữ cha cho các con và vợ chồng mình vẫn còn nhiều chuyện chưa làm rõ với nhau được. Em biết mình không khéo nói, vậy nên hãy chuẩn bị cẩn thận, cần thì viết ra, nhắn tin, lời lẽ mềm mỏng nhưng chắc chắn, em nhé!
Xét cho cùng, việc chồng em giận gia đình vợ không phải là lý do dẫn đến ly hôn. Vợ chồng chỉ ly hôn khi không còn tình cảm với nhau. Chuyện của em, nhà vợ có thể thiếu công bằng một chút, em hãy chia sẻ với chồng là em đứng về phía anh, thông cảm với những tâm tư của anh, nhưng cũng khó đòi hỏi ba mẹ phải thay đổi quyết định, bởi đó là quyền của ba mẹ. Giàu hay nghèo vẫn phải do vợ chồng chung tay làm việc, tích lũy, lo cho con cái và cuộc sống gia đình.
Một chuyện nữa em cũng cần xem lại, đó là việc vợ chồng em mỗi người ở mỗi nơi. Xa mặt cách lòng lúc này càng dễ khiến sự việc xấu đi. Em nên tìm cách để đoàn tụ gia đình, chồng không về thì mình chịu khó lên thành phố với chồng.
Chồng em gắn bó, yêu thương các con, hãy dùng các con như chiếc cầu nối. Đó cũng là cách để người thứ ba nào đó phải “quay xe”. Chồng em sẽ thấy: đất đai tài sản dù ít một chút thì vẫn còn ở quê, nay vợ đã biết lỗi, xuống nước, nếu bỏ vợ con là mình mất nhiều hơn được.
Em hãy cố gắng tự chủ lời nói, đừng đào bới sâu thêm mâu thuẫn cũ. Mong em sẽ bản lĩnh, khéo léo giành lại vị trí người vợ trong tim chồng và giữ được gia đình nhỏ của mình.
Theo phụ nữ TPHCM