Bà bế bé Bối hôn hít nựng nịu, khen đôi mắt, cái mũi Bối giống ba, tóc xoăn này cũng giống, tướng đi càng giống dữ. Bà sắm cho Bối cả giỏ quần áo, lủ khủ bánh trái, giò chả. Tặng bà ngoại Bối mấy hộp tổ yến, nhân sâm…
Trước lúc về, bà ngập ngừng mãi mới nói: “Tết này con đưa Bối về thắp nhang cho ba nó, cho Bối nhìn ông bà nội, cho nhà bác có Tết. Mấy năm rồi, nhà bác không có tiếng cười”. Chị im lặng, nhìn lảng sang chỗ khác.
Bà ra tới đường còn ngoái lại mấy lần, trông chị gật đầu hoặc “dạ” một tiếng nhưng chị vẫn nín thinh.
“Nhìn ông bà nội”, câu này giá như bà nói với chị vào mấy năm trước. “Cho nhà bà có tết”, tết của chị cũng chẳng còn từ ngày quen ba bé Bối. Ai sẽ mang tết về cho chị?
|
Ảnh minh họa |
Chị nhớ như in ngày má dắt chị mang bụng bầu hơn bốn tháng tới xin ba má anh nhận dâu, nhận cháu. Má anh cười khẩy: “Dâu ở đâu mà ngang hông vầy nè? Chưa chắc đứa nhỏ trong bụng là cháu tui. Đừng tưởng nhà này dễ dụ, định gài bẫy con tui, lấy cái bầu để ăn vạ à?”.
Chị cay đắng kéo má về, khi má đang cố van xin họ nghĩ lại. Chị thấy mang tội với má, vì chị mà má mang nỗi nhục này.
Trong lúc đó anh ngồi im lặng, không một lời bào chữa cho má con chị. Rời khỏi căn nhà đó, chị thề rằng sau này dù phải ăn xin cũng không quay lại đây.
Chị làm mẹ khi mới 20 tuổi, dang dở cả chuyện học hành. Anh không dám trái lời cha mẹ vì sợ bị cắt nguồn tài chính, nhưng từ đó anh bỏ học, theo bạn bè chơi bời.
Nhà có sẵn tiệm vàng bề thế, anh muốn gì cha mẹ cũng chiều, xin bao nhiêu tiền cũng cho, anh cần gì học hành cho cực. Má anh đổ tại chị mà anh hư hỏng. Anh xài tiền như nước là lỗi của chị sao!
Thỉnh thoảng anh ghé qua, mua cho Bối ít đồ chơi, cho ít tiền rồi đi. Chị trông Bối lớn chút sẽ gửi nhà trẻ rồi kiếm việc làm, bởi chị biết không thể trông cậy vào người đàn ông này.
Tết năm đó anh theo bạn bè đua xe rồi gặp nạn, đi luôn không về. Đám tang anh xong xuôi chị mới biết. Mà có biết trước chị cũng không dám tới. Ai nhìn dâu con gì mà tới?
Nghe kể ba má anh xỉu lên xỉu xuống. Tiệm vàng đóng cửa suốt mấy tháng không bán buôn gì. Ba má anh có mỗi anh là con trai. Nỗi đau mất con của họ chị hình dung được. Tết năm đó của mẹ con chị cũng là cái tết buồn. Dù lâu rồi với anh chị không còn tình cảm gì nữa, nhưng nghĩ từ nay bé Bối mồ côi cha, chị đau xót thay cho con.
Mấy tháng sau khi anh mất, má anh tìm đến phòng trọ của chị. Bà ôm chầm bé Bối khóc như mưa. Chị muốn giằng Bối lại, nhưng nhìn khuôn mặt héo hắt, nhăn nhúm vì đau khổ của bà, chị không nỡ.
Mỗi lần đến, bà đưa chị cả xấp tiền, nhưng chị không nhận. Chị sợ mùi tiền sẽ làm mình lạc lòng, sẽ lười biếng. Vả lại, câu nói cay nghiệt năm xưa của bà chị còn nhớ rõ lắm.
Có lần, bà đưa cả ông đến. Ông ôm Bối nựng nịu, bảo chị: “Con cho Bối về ở với hai bác, con muốn gì cũng được”. Chị cay đắng: “Bác đến thăm Bối thì được, đừng dùng tiền làm nhục con. Năm xưa con chịu nhục một lần đủ rồi”. Ông tái mặt, từ đó không đến nữa.
Sau này chị nghe ông đổ bệnh liên miên. Người già nào sống vui nổi khi hậu vận nhà mình đã tiệt, có cháu nội thì không nhìn được?
Nhiều người nói chị chỉ cần gật đầu, cho Bối nhận nhà nội là một bước lên mây. Nhưng chị sợ miệng đời, sợ tiếng ham của nên vẫn tự mình kiếm tiền nuôi con.
Mấy hôm trước, má chị nghe tin ông bị tai biến, may mà qua khỏi. Má khuyên chị: “Thôi con đừng cố chấp quá. Nghĩ cũng tội anh chị bên đó, giàu có mà tuổi già cô độc cũng như không”.
Nghĩ cảnh ông bà vào ra trong căn nhà quạnh vắng, nhìn bàn thờ con mà đau lòng… chị cũng mủi lòng. Phải chăng chị quá cố chấp, ích kỷ để ba má anh phải khổ sở thế này?
Người ta hay nói chỉ cần một câu nói cũng có thể thành vết thương, nhưng để chữa lành vết thương ấy cần rất nhiều thời gian. Bao nhiêu năm qua chị giận hờn cũng mệt rồi, họ cũng đã đau khổ nhiều rồi. Anh cũng đã mất, chị cũng nên khép lại chuyện cũ để người còn lại được yên lành.
Tết này chị sẽ đưa Bối về nhà nội, thắp lại ngọn lửa ấm trong căn nhà lạnh lẽo của ông bà, hẳn ông bà sẽ có một cái tết vui. Buông xuống mọi oán hờn, chị cũng nhẹ nhõm hơn nhiều.
Theo phunuonline.com.vn