Bố tôi là người gia trưởng, độc đoán, trọng nam khinh nữ. Từ bé, anh em chúng tôi đã phải chứng kiến mẹ mình khổ thế nào. Nhưng điều chúng tôi giận hơn cả là mẹ không hề nhận thức bà bị bạo hành.
Mẹ đã bị bố thao túng tâm lý, tới mức cho rằng những việc ông làm là đúng đắn, bị chồng sỉ vả, lăng nhục là do bà sai. Những lúc quá sức chịu đựng thì mẹ chỉ khóc và khóc. Thế rồi mẹ bao biện là vì các con nên mẹ phải cố, phải ráng sống với bố.
Tôi còn nhớ mãi, khi tôi chừng 8 tuổi, bà ngoại ở quê lên chơi. Trong bữa cơm, mẹ tôi cứ mãi loay hoay làm gì đó hết sức chậm chạp nên cả nhà phải chờ đợi. Bố tôi quen thói quát nạt vợ, quên mất có bà ngoại tôi ở đó, đã hét lên: “D. đâu rồi, tao đã nói tới giờ ăn cơm là phải làm sao? 1 phút nữa mày không ra đây là tao hất mâm cơm đấy!”.
Bà ngoại tôi nghe con rể mắng con gái mà ngỡ ngàng, chẳng khác gì bị vỗ vào mặt. Bà buông đũa, bỏ về quê ngay lúc ấy. Mẹ tôi thấy thế thì càng khóc, than thở số mình khổ. Bố tôi từng phân trần với bà ngoại rằng mẹ tôi tới bữa không ra ăn cơm nên ông nóng nảy, chứ không có ý gì. Thế nhưng chúng tôi đều biết bố tôi cư xử như thế đã thành thói quen.
Lần khác, bố tôi đi làm về, ông cao hứng kể chuyện làm ăn của ông với cả nhà. Mẹ tôi hào hứng góp ý. Thế là lập tức bà bị chồng tạt gáo nước lạnh. Ông nghiêm mặt nói: “Phụ nữ như con gà mái. Gà mái bỗng dưng gáy thì chỉ có nước chặt đầu thôi, vì là điềm gở”.
Nghe câu ấy anh em tôi ai cũng phẫn nộ. Khi đó tôi 14 tuổi, tôi đã xúc động hét lên với bố, rằng bố không được nói thế với mẹ. Anh tôi lớn hơn tôi 2 tuổi, anh dọa nếu bố còn cư xử với mẹ như vậy thì anh sẽ bỏ nhà đi. Nghe con trai quý dọa bỏ đi, bố tôi liền xuống nước. Nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó.
Anh em chúng tôi từng bày tỏ mong muốn mẹ phản kháng, hãy cho bố thấy ông đã đi quá giới hạn của loại bạo lực khinh khủng nhất - bạo lực tinh thần, ông hệt như một hung thần trong nhà... Thậm chí, thấy mẹ bị chèn ép, chúng tôi còn động viên bà ly hôn hoặc chí ít thì hãy bỏ ra ngoài sống để bố phải biết sai mà hối lỗi. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi lại ca điệp khúc mẹ phải ráng ở vì các con chưa trưởng thành. Mẹ muốn các con có gia đình trọn vẹn.
"Nhưng mà mẹ ơi, đó là kiểu mẫu gia đình mà mẹ muốn, gia đình này đã không trọn vẹn từ lâu lắm rồi", có lần tôi thẳng thắn nói với mẹ như thế.
Anh em chúng tôi lao đầu vào học hành, đi làm thêm từ rất sớm để có thể tự lập, nhanh chóng thoát ra khỏi gia đình. Khi có thể tự kiếm sống, anh tôi lập tức ra ngoài thuê trọ ở. Còn tôi, vừa học xong đại học liền quyết định kết hôn. Có như vậy tôi mới rời xa được bố mẹ sớm.
|
Đa số các bà mẹ cho rằng mình chịu đựng bạo lực vì con cái (ảnh minh họa) |
Nhiều năm trôi qua, ở xa, tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại từ mẹ. Bà thường khóc lóc, kể là quá khổ vì bố đàn áp, coi thường… Tôi giận quá hỏi lại: “Mẹ nói ngày xưa vì hai anh em chúng con nên chưa ly hôn. Thế bây giờ sao mẹ chưa ly hôn? Mẹ đừng gọi cho con và anh nữa, đừng than khổ nữa, hãy ly hôn đi”. Anh trai tôi thậm chí còn mời mẹ về sống chung, tách mẹ ra khỏi bố. Vậy mà lần nào cũng thế, chỉ được vài hôm là mẹ nguôi giận và lại tôn sùng bố, lại đòi về với bố.
Mẹ tôi khổ cả đời vì bị chồng bạo hành về tâm lý, bị ông đồng hóa cả về tư tưởng, khiến bà trở nên lệ thuộc. Bà luôn dùng con cái để bao biện cho sự nhu nhược. Tôi giận mẹ, vì bà không chỉ là nạn nhân mà còn là cùng với bố tạo ra một gia đình trọn vẹn giả tạo. Mẹ lờ đi, như không biết rằng những đứa con trong gia đình ấy ngày nào cũng muốn thoát ra và mong bố mẹ ly hôn ngay.
Theo phụ nữ TPHCM