Chị Hạnh Dung thân mến,
Chồng tôi đi làm, xong nhậu cùng đồng nghiệp đến 11g đêm vẫn chưa thấy mặt. Gọi điện thì không bắt máy rồi khóa máy. Tôi gọi cho bạn nhậu của anh để hỏi họ đang ở đâu, vợ anh đang bệnh ở nhà.
Tôi nói vậy để anh ta về, chứ tôi chẳng bệnh gì. Hơn 1 tiếng sau anh ta về đến nhà, câu đầu tiên anh ta nói là muốn ly hôn vì anh ta bảo tôi làm mất mặt anh ta. Sau đó giữa tôi và chồng tôi chiến tranh lạnh cả tuần. Thái độ của anh rất quyết liệt.
Cuối cùng, vì thương chồng, thương con, tôi đã năn nỉ rất nhiều, và hứa sau này sẽ không vậy nữa. Cuối cùng vợ chồng cũng làm lành. Nhưng rồi thỉnh thoảng nhớ lại, lòng tôi tự hỏi chồng tôi có yêu tôi không?
Kim Hồng
|
Ảnh minh họa |
Chị Kim Hồng thân mến,
Không biết rằng chồng chị có thường đi nhậu, thường về khuya, thường không nghe điện thoại của vợ khi nhậu không? Anh có phải là một người nghiện rượu, có thể uống bất cứ lúc nào và không quan tâm gì đến gia đình không? Hay đây chỉ là một lần hiếm hoi anh ấy đi nhậu về khuya như thế?
Nhưng thực tế là dù anh ấy có thế nào đi chăng nữa, thì việc chị gọi điện khi anh ấy ngồi cùng bạn bè, và chắc là gọi rất nhiều lần, đến mức anh ấy phải bực mình mà khóa máy, cũng là một điều không nên làm, và làm cũng không có ích gì, thậm chí còn có hại cho mối quan hệ.
Đàn ông rất quan trọng thể diện của mình trước mắt mọi người, nhất là trong vấn đề được vợ tôn trọng và tin tưởng. Việc bị vợ gọi "giật ngược giật xuôi" trong lúc đang vui vẻ cùng bạn bè, sẽ khiến họ cảm thấy bị "mất mặt" vì bị sai khiến, điều khiển như một đứa trẻ.
Khi bị gọi, chồng chị đã phản ứng bằng cách khóa máy, nhưng chị còn tiến tới một bước tệ hơn là gọi cho bạn của anh ấy để nói rằng chị bị bệnh. Chắc chắn là trong bàn nhậu, chẳng ai tin chị bệnh, chồng chị chắc chắn cũng biết điều đó, và có lẽ anh ấy đã phải ở trong tình trạng rất khó xử với mọi người.
Những người bạn tệ sẽ cười chê, chế nhạo anh ấy, có khi còn khích bác anh ấy về việc vợ chẳng nể mặt chồng. Những người điềm tĩnh hơn sẽ khuyên anh ấy theo kiểu: "Thôi về đi, không lại rách việc ra".
Anh ấy đã về khi chị làm đến mức đó, chứ không như khá nhiều ông chồng, có khi bỏ đi luôn đến sáng, hay thậm chí là vài ngày mới về... Điều đó có nghĩa rằng anh ấy dù đã say, dù bị mất thể diện, vẫn còn giữ được hướng đi đúng đắn: về nhà, dù là với "một bụng tức giận".
Chúng ta sẽ không bàn đến việc anh ấy đúng hay sai, chị nhé. Cũng không bàn đến việc chị làm thế là đúng hay sai nữa. Ở đây, chúng ta hãy chỉ quan tâm đến cảm xúc của anh ấy: bị vợ làm cho quê độ, cảm thấy bị coi thường, hạ thấp... Cảm xúc là điều tự nhiên xuất hiện, nhiều khi không thể kiểm soát được bằng lý trí. Nhất là khi người ta say.
Lúc này đây, Hạnh Dung nghĩ rằng, việc chồng nói muốn ly hôn chỉ là phản ứng tự nhiên xuất hiện do cảm xúc đó, chứ không phải là do anh ấy không còn yêu vợ hay gia đình. Điều quan trọng mà chị cần làm lúc này, nếu thật sự thương chồng và nghĩ cho anh ấy, chính là xử lý vấn đề đã xảy ra tận gốc rễ.
Khi rất bình tĩnh, hãy nói cho chồng hiểu mình làm như vậy chỉ vì lo lắng cho anh. Cùng chồng rút ra những cách để chuyện tương tự không xảy ra: nghĩa là những quy định cơ bản về việc chồng đi nhậu, đi vui vẻ với bạn bè, như: sẽ về mấy giờ, sẽ không tự chạy xe gắn máy, nếu gặp trường hợp quá vui thì nên tự thông báo về nhà cho vợ yên tâm...
Khi tức giận, người ta có thể làm nhiều điều mà người ta nghĩ rằng không nên làm khi bình tĩnh. Hai vợ chồng đã làm lành với nhau, nghĩa là cuối cùng giông bão đã qua. Hãy dọn dẹp hậu quả của giông bão, chứ không nên gây ra những vấn đề mới cho cơn bão kế tiếp, chị nhé.
Theo phụ nữ TPHCM