Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 32 tuổi, thực sự đã không còn hy vọng gì ở cuộc hôn nhân của mình. Bấy lâu em cố gắng chịu đựng vì con còn quá nhỏ. Đến giờ bé gần 2 tuổi, em có thể gửi con đi nhà trẻ, để em đi làm.

Em đã viết đơn ly hôn, kiên quyết nói với chồng và cả gia đình bên chồng rằng em không thể tiếp tục sống chung, không muốn nhìn mặt con người ấy nữa, em muốn chia tay để giải phóng cho cả hai. Chồng em rất vô trách nhiệm với gia đình và dối trá. Anh nhiều lần phản bội em. Vợ chồng tuy sống chung nhưng từ lâu đã như ly thân.

Nhà đang ở là nhà trọ, em muốn anh ta nếu còn chút tử tế thì dọn ra khỏi nhà, để mẹ con em tiếp tục ở chỗ này, vì cũng đã trả thế chân 6 tháng tiền nhà, giá thuê ổn định, gần chỗ gửi con học. Chồng em dù đồng ý ly hôn nhưng nói chưa có tiền thuê phòng ở, nên vẫn ở chung nhà - ly thân vô thời hạn.

Em có nhờ má chồng kêu chồng về sống chung với má nhưng bà không muốn can thiệp. Em không biết thật ra nhà chồng em đang toan tính điều gì, có phải cố tình làm vậy để tụi em không ly hôn được?

Hiện chồng vẫn đi về ăn ngủ trong nhà, em vẫn phải dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng cho anh ta ăn, dọn rửa chén bát; trong khi anh ta đi về không giờ giấc cũng chẳng thèm nói trước, chắc lại đang theo một mối tình nào khác. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ, đến khi tòa xử ly hôn rồi anh ta có chịu dọn đi không? Em phải làm gì đây chị ơi?

Ánh Vân (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Ánh Vân thân mến,

Quyết định ly hôn không chỉ bao gồm cảm xúc. Một phần rất lớn trong quyết định đó bắt nguồn từ lý trí: từ suy nghĩ tỉnh táo, lập kế hoạch cẩn thận, tính toán đầy đủ phương án tốt nhất, phương án xấu nhất và kể cả dự phòng rủi ro.

Ví dụ, với trường hợp của em, việc “không muốn nhìn mặt con người ấy nữa” là cảm xúc, nhưng làm thế nào để sống một mình, tự lo cho bản thân và con lại là chuyện của lý trí.

Em hãy tạm gác cảm xúc tiêu cực để đánh giá lại cuộc hôn nhân của mình, nói chuyện thẳng thắn với chồng. Sau khi trò chuyện, bình tâm suy nghĩ, nếu em vẫn thấy không thể tiếp tục chung sống thì hãy nghĩ đến cách thoát khỏi thế kẹt hiện nay.

Nếu em thực sự muốn thoát ra, phải chủ động lên phương án để chồng lựa chọn. Khoản tiền cọc phòng trọ, hãy đề nghị chồng chia đôi - anh ta trả 3 tháng, nửa còn lại em trả. Anh ta có quyền ở lại phòng trong 3 tháng, hết 3 tháng thì dọn ra ngoài. Hoặc nếu có khả năng, em hãy đưa cho anh ta một khoản tiền để anh ta thuê chỗ mới, còn em đổi ổ khóa phòng, từ nay anh không được đến ở nữa.

Trường hợp anh ta nhất định ở lì thì em phải chọn cách dọn đi thôi. Nếu anh ta có lòng hỗ trợ mấy mẹ con ít tiền thuê nhà thì tốt, còn không thì em nên có phương án tự lo cho chuyện ăn ở của mấy mẹ con. Nếu cần thiết thì tỏ thật tình cảnh để ba má, anh chị cùng phụ giúp trong thời gian đầu.

Về lâu dài, em cũng phải có bài toán sinh kế cho cuộc sống của em và con. Bất cứ sự lựa chọn để thay đổi nào cũng cần chuẩn bị chu đáo, nhất là khi em còn có con nhỏ.

Tiền bạc có thể kiếm được, đừng để mình kẹt trong cuộc hôn nhân bế tắc chỉ vì vài tháng tiền nhà. Nếu tình cảm đã không còn, vợ chồng đã coi nhau như người xa lạ, kéo dài cuộc sống chung với nhau ở bất kỳ mức độ nào cũng chỉ lãng phí thời gian, bào mòn tinh thần và sức lực của đôi bên mà thôi.

Hãy tìm bạn bè, người thân nhờ cậy sự giúp đỡ để vượt qua giai đoạn này em ạ. Càng bước ra sớm, mình càng vượt qua đoạn đường này nhanh chóng, để có thể tìm kiếm hạnh phúc thực sự của mình. Chúc em mạnh mẽ, quyết đoán và sớm tìm thấy hạnh phúc.

Theo phụ nữ TPHCM