Kính gửi chị Hạnh Dung,

Mãi đến năm 37 tuổi, lúc nghĩ mình chắc ế luôn rồi, tôi mới gặp chồng tôi. Lúc đó anh đã qua một lần đò, có 1 con trai. Chúng tôi có 1 con gái chung.

Con trai của chồng tôi khá may mắn trong chuyện hôn nhân. Con lấy vợ, sinh con, gia đình hạnh phúc, công việc khá ổn và đã mua được nhà riêng. Chỉ có con gái là lặp lại lịch sử “ế dài” của mẹ. Năm nay con gái đã 42 tuổi mà vẫn ở chung với ba mẹ

Tôi nghĩ có phần lỗi của mình, chắc do tôi sinh con muộn nên cháu cũng chịu thiệt thòi. Tôi thương con, chăm chút con quá mức từ nhỏ, nên lớn lên con chỉ lo việc học hành, không biết và cũng không thích nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Đến giờ con vẫn vậy - quần áo thay ra cứ để vào giỏ, tôi có giặt hay không con mặc kệ, mẹ có nói quá thì con mang ra tiệm giặt. Đến bữa ăn, nếu mẹ không nấu thì con đặt đồ ăn ship về, mà cũng chỉ đặt cho mỗi mình con.

Tôi cho con đi học nước ngoài, nhưng khi học xong, con về nước, tôi phải gửi gắm nhiều nơi con mới có được việc làm, rồi con cũng đụng chạm, nghỉ việc, chuyển việc mấy lần, lần nào cha mẹ cũng phải đi nhờ vả.

Chồng tôi nhiều lần chê con gái vụng, mai kia lấy chồng về ở với mẹ chồng, người ta trách ngược cha mẹ không biết dạy con. Tôi nghĩ gia đình tôi có điều kiện, người giúp việc cũng đỡ một phần, cứ để thời gian cho con giao du kết bạn, biết đâu con tìm được người phù hợp với mình.

Con gái có thì, nay tuổi con cũng cứng rồi, có chê bai thì con cũng không thay đổi được nữa. Con gái tôi không xinh đẹp, nhưng được cái rất dễ tính, vô tư. Vậy mà không hiểu sao vẫn không có anh nào để ý.

Tôi có than thở với mấy chị bạn trong nhóm về hưu, các chị bảo tôi tập trung lo hình thức cho con, “bao bì” đẹp thì hàng dễ bán, rồi có ai đến thì gả đi. Tôi loay hoay mãi không biết nên đào tạo hay trang bị cho con thế nào nữa.

Nguyễn Như (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Chị Như thân mến,

Tấm lòng người mẹ luôn muốn bảo bọc, bù đắp cho con, bao nhiêu cũng là chưa đủ. Nhưng có lẽ điều con gái chị đang cần là một chút thiếu thốn, một chút tự lập.

Khi con đầy đủ quá - đi làm có mẹ gửi gắm xin việc, không được việc này mẹ lo việc khác; về nhà có mẹ lo ăn uống giặt giũ, mẹ lo chưa đủ thì có người giúp việc lo… - con chị có thể thấy cuộc sống hoàn toàn ổn thỏa, không phải băn khoăn gì.

Khi không thấy cô đơn, không cần một bờ vai, không cần nắm lấy bàn tay bạn đồng hành, người ta sẽ không cố gắng tìm kiếm ai cả. Mà nếu có gặp ai đó, động lực để người ta tìm hiểu, gắn bó cũng không mấy mạnh mẽ. Vậy nên, chị thử nghĩ đến việc khuyến khích con gái ở riêng, dù nhà không thiếu chỗ ở.

Thực chất, con gái chị đã có thời gian đi học xa, đã trải nghiệm cuộc sống riêng. Giờ con cũng đã đủ lớn khôn để tự lập, tự thu xếp cuộc sống. Chị cứ nói với con: từ giờ, con tự chịu trách nhiệm về công việc, tiền bạc, bạn bè của con; mẹ không thể bên con suốt đời, mẹ biết con hoàn toàn có thể tự lo liệu.

Cho con sống riêng không phải chỉ để giải quyết chuyện “ế dài”. Cuộc sống tự lập sẽ khiến con gái chị phải tự điều chỉnh. Có thể cô nàng sẽ thấy buồn, sẽ thấy cô đơn, sẽ thấy thiếu thốn tiền bạc… nhưng tất cả thiếu thốn ấy chị đừng bù đắp vội. Cứ để con cảm nhận được phần khuyết trong cuộc đời mình, con sẽ biết cách trân trọng công việc, trân trọng những mối quan hệ, rồi từ đó tự điều chỉnh.

Đàn ông có thể thích các cô nàng vô tư, dễ gần, nhưng để gắn bó lâu dài, cần nhiều điều khác nữa. Chị cứ thử buông con gái ra, để cô ấy có thể tự tìm kiếm và phát triển những điều đặc biệt khác đang ngủ yên trong mình. Chị hãy cứ âm thầm quan sát và xuất hiện đúng lúc. Chúc chị thành công.

Theo phụ nữ TPHCM