Dùng tiền riêng sửa nhà vì chồng không góp
Gặp luật sư, chị Ngọc trút nỗi niềm: Chị và chồng là anh Thành có quá trình hôn nhân kéo dài 12 năm rồi ly hôn. Cuộc hôn nhân của họ từng khiến nhiều bạn bè trang lứa ganh tỵ, bởi họ rất xứng đôi, môn đăng hộ đối, lại cùng ngành dược.
Do anh Thành, chồng chị Ngọc, “công tử bột” nên gia đình chồng chuẩn bị sẵn căn nhà để cho hai vợ chồng chị Ngọc ở riêng nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc ba mẹ chồng. Khi đứa con thứ hai chuẩn bị chào đời, chị Ngọc xin phép ba mẹ chồng sửa lại căn nhà cấp 4 cho tươm tất và được đồng ý. Chi phí sửa chữa nhà có hóa đơn, chứng từ là 700 triệu đồng từ tiền riêng của chị Ngọc. Vì giai đoạn này công việc của anh Thành khó khăn nên anh không đóng góp.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Nhà sửa xong, con nhỏ vừa thôi nôi thì cũng là lúc chị Ngọc phát hiện chồng ngoại tình. Do cái tôi cả hai đều lớn dẫn đến kết quả ly hôn. Hai vợ chồng không có tài sản chung nên anh Thành chấp nhận cấp dưỡng nuôi hai con là 3 triệu đồng/tháng rồi dọn về ở với “phòng nhì”. Phần ba mẹ chồng quyết đòi chị Ngọc trả căn nhà mà chị và hai đứa con đang ở, nhưng không chịu trả số tiền sửa nhà cho chị Ngọc với lý do đó là tiền chung của hai vợ chồng chị Ngọc.
Chị Ngọc phải thỏa thuận với anh Thành, nhưng ngặt nỗi, mỗi lần gọi điện cho chồng cũ, anh không nghe máy, hoặc nghe máy thì lần lữa, bảo từ từ rồi tính. Trong khi đó ba mẹ anh Thành liên tục gửi thư giục con dâu cũ trả nhà. 700 triệu đồng không phải số tiền nhỏ, giờ ra khỏi nhà, tay trắng mẹ con cô biết sống sao…
Có lý, đúng luật, chưa chắc hài hoà mặt tình cảm
Theo luật sư Trần Hoài Nhân - Đoàn Luật sư TPHCM - với tình huống này chị Ngọc và ba mẹ chồng đều có quyền khởi kiện theo hai lý do, yêu cầu khác nhau.
Với chị Ngọc là quyền đòi ba mẹ chồng trả lại tiền sửa chữa căn nhà, còn với ba mẹ chồng là quyền đòi lại căn nhà với tư cách là chủ sở hữu. Tuy nhiên, có lý, đúng luật, cũng chưa chắc hài hòa trong mọi trường hợp, bởi số tiền 700 triệu đồng chị Ngọc bỏ ra sửa chữa dù là tiền cá nhân, có chứng từ đầy đủ nhưng khó lấy lại trọn vẹn, bởi chị phải chứng minh đây là tiền riêng của mình. Mặt khác, dù ly hôn, chị Ngọc vẫn ở lại nhà chồng, thụ hưởng lợi ích từ tài sản bên chồng và căn nhà qua quá trình sử dụng đương nhiên phải có khấu hao theo thời gian và sự giữ gìn của người sử dụng. Nên nếu chị Ngọc quyết tâm khiếu kiện đòi tiền thì tiền nhận được phải nhỏ hơn con số 700 triệu đồng và phải rời căn nhà bên chồng.
Về phía gia đình chồng của chị Ngọc, nếu quyết tâm đòi nhà thì sẽ mang tiếng “đẩy hai cháu nội” ra đường, đúng luật nhưng sẽ tạo hình ảnh xấu với cháu mình. Ông bà cũng không thể phủ nhận toàn bộ công sức đóng góp của chị Ngọc vì ông bà cho phép chị mới sửa chữa nhà.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto |
Với tình huống này, luật sư Hoài Nhân cho là hai bên có thể thương lượng theo các phương án như sau:
1/ Ngọc nhận lại một phần tiền sửa chữa nhà và dọn đi nơi khác.
2/ Ngọc ký hợp đồng thuê lại căn nhà với cha mẹ chồng, khấu trừ tiền sửa chữa nhà (có trừ khấu hao) vào tiền thuê nhà. Thời gian thuê kéo dài cho đến khi khấu trừ xong.
3/ Hai bên đều có thể chọn vai “nguyên đơn” để khởi kiện bên kia ra tòa hoặc chờ bên kia khởi kiện để nhận vai bị đơn. Dù chọn tư cách nào thì hai bên cũng có lý lẽ, có căn cứ pháp lý, nhưng tình cảm sẽ bị tổn thương, đặc biệt là mối quan hệ giữa ông bà nội và các cháu.
Cuối cùng, luật sư Hoài Nhân nhận xét rằng, dù bạn là ai thì việc ứng xử trong quan hệ dân sự luôn xét trên ba phương diện tình, lý và luật. Chúng ta khó có thể nói cái nào là quan trọng hơn bởi phải tùy vào sự việc, tình huống cụ thể. Đối với người Việt Nam thì có lý, đúng luật chưa chắc được ủng hộ trong mọi trường hợp, nên bạn phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Theo phunuonline.com.vn