Giờ này chắc con đang ngon giấc bên chồng mới cưới, trong căn phòng ấm áp mà con khoe rằng nệm, ga trải giường, cặp bao gối thêu đôi chim phượng hoàng đều do mẹ chồng chọn. 

Chỉ cần nghe thế, mẹ cũng mất ngủ vì vui. Cái video đám cưới con, mẹ cứ coi đi coi lại. Nửa đêm lén ba con, mẹ xuống phòng khách, bật đèn, dán mắt vô điện thoại.

Mẹ vui khi thấy trong ngày cưới, họ đàng trai đàng gái còn đang chỉnh trang y phục, thì mẹ chồng đã nắm tay con, dắt vào nhà. Cái nắm tay đôn hậu, nhân từ và chan chứa yêu thương, của một người vốn đôn hậu, nhân từ như con vẫn nhận xét.

Ngày ba mẹ chồng con đến thăm nhà mình, mẹ đã nhận ra người đàn bà dễ mến ấy, mẹ hy vọng đã “gửi” con đúng chỗ. 

 
                              Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cũng trong ngày cưới, mẹ rất ấn tượng khi ông nội chồng 92 tuổi lên trao quà, gửi gắm câu nói rất văn minh: “Các cháu trưởng thành rồi, ông không nói nhiều, chỉ mong các cháu xây dựng một gia đình chuẩn mực, tiến bộ”.

Con phải nhớ kỹ lời ông dạy. Không dễ để xây dựng một gia đình chuẩn mực, nhưng ông đã thòng hai chữ “tiến bộ”, mẹ cho rằng lời mong mỏi của ông không hề gây áp lực cho các con. 

Một gia đình vừa áp dụng những giá trị hiện đại, tiến bộ, mà vẫn giữ lại sự chuẩn mực cần thiết, sẽ không khó nếu các con ý thức tầm quan trọng của hạnh phúc.

Một gia đình hạnh phúc, trước hết các thành viên gia đình đó được hưởng lợi. Bởi hạnh phúc không chỉ mang lại cho con người niềm phấn chấn, lạc quan, yêu đời, mà còn làm lan tỏa những điều tích cực đến người khác. 

Mẹ từng nghe các bạn trẻ than thở: “Ước gì chẳng liên quan tới nhà chồng”, “Chán gì cho chán bằng sống với mẹ chồng”… Con của mẹ đừng học kiểu nói vô trách nhiệm ấy.

Thử hỏi, ai là người sinh ra chồng, nuôi chồng khôn lớn, để rồi muốn lôi chồng đi khỏi là lôi hay sao? Phải để chồng trả hiếu bố mẹ, phải để anh ấy có trách nhiệm với bố mẹ. Con nghĩ gì nếu anh trai con vì vợ mà quay lưng với gia đình mình? 

Ba nói rằng mẹ đừng vội mừng. Sau này con có hạnh phúc hay không là tùy thuộc vào chính bản thân con, chứ không phải phụ thuộc vào chồng, hay người nhà chồng. Ba nói không sai.

Còn nhớ con kể, 5 giờ sáng mẹ chồng đã dậy quét lá cây, tưới hoa, pha cà phê cho cả nhà, có khi làm đồ ăn sáng, mà con vốn là đứa ngủ nướng. Chuyện này, con nói với mẹ chồng là muốn được thức dậy cùng giờ, để phụ mẹ chồng, nhưng bà từ chối, cho rằng mẹ lớn tuổi khó ngủ, tụi con còn trẻ, cần được nghỉ ngơi thêm. 

Mẹ thích tính thẳng thắn mà mềm dẻo của con. Con đã mở lời với mẹ chồng một cách thật lòng, mẹ tin con sẽ nhận lại những điều thật lòng.

Một cô con dâu có thể phá nát những điều tốt đẹp nếu không ngại làm lộ bí mật của gia đình nhà chồng, chẳng hạn chuyện gì cũng mang ra ngoài kể cho thiên hạ nghe, hoặc không ghi nhận những giá trị mà gia đình chồng gầy dựng nhiều đời, bằng cách phản bác, làm những điều trái ngược. 

Nhưng một cô dâu sẵn sàng phát huy những giá trị tốt đẹp có sẵn, hoặc gầy dựng lại sự nghiệp nhà chồng chẳng may sa sút. Sự phá vỡ hay gầy dựng, chỉ là gang tấc, thể hiện qua nhận thức, thái độ, trách nhiệm.

Gia đình nhà chồng đã đón con bằng một đám cưới chỉn chu, lộng lẫy; ngày cưới, mẹ chồng nắm tay dắt con vào nhà. Bước đi chập chững về nhà chồng, đã có mẹ chồng dìu dắt, từ tấm đắp, đến cái gối cái mền cũng mẹ chồng tự tay mua sắm, thì con phải có trách nhiệm báo đáp lại tình thương đó, đừng ỷ mình có học, có khả năng kiếm tiền mà tung hoành các kiểu.

Như thế là chưa “tiến bộ”, chưa “chuẩn mực”, không như hy vọng ông nội gửi gắm, không như mong ước của ba mẹ. Làm dâu, phải biết góp phần mang lại hạnh phúc cho gia đình nhà chồng. Nhà chồng cũng như nhà mình, nghe con! 

Theo phunuonline.com.vn