"Tôi nghĩ rằng, phụ nữ nếu ở nhà nội trợ mà không hạnh phúc và không được chồng tôn trọng, không đủ kinh tế chi tiêu cho gia đình và bản thân thì tốt nhất nên đi làm. Bản thân tôi cũng làm nội trợ nhiều năm rồi, nhưng tôi luôn thấy hạnh phúc và trân trọng cuộc sống hiện tại.
Kinh tế của gia đình tôi khá giả nhưng hai vợ chồng không thuê người giúp việc. Tôi muốn tự tay dọn dẹp, cơm nước cho chồng con và đưa đón con đi học. Lúc rảnh, tôi sẽ đọc báo, hay bán ít đồ online, có khi lại đi shopping, vào spa chăm sóc da... Vào hè hay nghỉ lễ, tôi lại tranh thủ lên kế hoạch cho cả nhà đi du lịch. Và tôi không có thời gian để đi gặp bạn bè, nói xấu chồng hay gia đình chồng. Ngược lại nếu khoe những chuyện tốt thì họ lại bảo mình khoác lác.
Ảnh minh họa
Mặc dù ở nhà nội trợ nhưng tôi vẫn mua được bất động sản đứng tên mình. Khi chồng kinh doanh khó khăn, tôi vẫn có tài sản mang ra cho anh xoay xở. Chồng tôi cũng chưa bao giờ xem thường vợ, mà lúc nào cũng nhường nhịn. Xây nhà, mua nội thất, vợ chọn gì thì chồng cũng chịu vậy, không ý kiến nhiều. Con gái tôi ngoan, thương mẹ, nên cuộc sống như vậy, thật sự tôi không mong mỏi gì hơn.
Thế nên, dù kiếm được tiền hay ở nhà nội trợ thì phụ nữ cũng có giá trị riêng của mình. Chỉ khi nào kinh tế gia đình khó khăn nhưng phụ nữ ở nhà nội trợ thì lúc đó mới thấy cuộc sống không có giá trị và stress. Chứ nếu kinh tế đầy đủ và biết cách sắp xếp cuộc sống, được chồng yêu thương, quan tâm, thì tôi nghĩ chẳng có lý do gì để phụ nữ stress khi ở nhà cả".
Đó là quan điểm của độc giả Bùi xung quanh câu chuyện "Trầm cảm vì chồng kiếm 100 triệu, vợ ở nhà". Ở các nước Á Đông, quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ, ám chỉ việc phân công vai trò trong gia đình. Theo đó, đàn ông chịu trách nhiệm kiếm tiền, phụ nữ chăm lo nhà cửa. Nấu ăn ngày ba bữa, giặt giũ, ủi quần áo, chăm con, lau nhà, rửa bát, xếp chỗ nọ, dọn chỗ kia... Hàng loạt công việc nhỏ nhặt, không tên, cũng không được trả công luôn được mặc định dành cho người phụ nữ trong gia đình, lặp đi lặp lại với cường độ cao, khiến nhiều người stress và cảm thấy bị coi thường.
Tuy nhiên, không phải người phụ nào cũng thấy bất hạnh khi ở nhà nội trợ, nhiều người khác vẫn tìm thấy niềm vui khi được tự tay chăm lo gia đình, độc giả Uyên Uyên là một trong số đó: "Tôi có hai bằng đại học, đang làm cho văn phòng nước ngoài thì quyết định nghỉ việc. Chỉ đơn giản là lúc đó con tôi bắt đầu học lớp một, mà tôi không đành lòng giao con cho xe ôm đưa đón. Tôi nghĩ rằng với lương của chồng, chịu khó sắp xếp chi tiêu cũng đủ sống, từ từ con lớn rồi bản thân sẽ tìm việc gì làm để làm giàu sau.
Thấm thoát cũng gần chục năm trôi qua, tôi vẫn ở nhà nội trợ, vẫn chưa thấy buồn chán, vẫn tự hào nói với mọi người nghề nghiệp là ở nhà chồng nuôi. Nhà tôi vẫn chưa giàu, nhưng tôi hài lòng với cuộc sống ổn định, được chăm sóc chồng con, bố mẹ già, vẫn có thời gian đi nhà sách, tập thể dục...".
Đồng quan điểm, độc giả Vàng nhấn mạnh: "Bản thân tôi cũng là một người phụ nữ nội trợ gần 10 năm nay. Thật sự, tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn. Ngược lại, tôi thấy vui vì được toàn tâm chăm sóc cho chồng và con. Con tôi chuẩn bị vào lớp một. Có nhiều thứ xoay qua xoay lại, nhìn chồng an tâm đi làm, con mỗi ngày mỗi lớn, tôi thấy công việc mình chưa bao giờ nhạt nhẽo. Cuối tuần, vợ chồng tôi đèo nhau đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Và quan trọng là chồng luôn luôn tôn trọng vị trí của tôi trong ngôi nhà mình. Còn người ngoài có bảo ăn bám, tôi cũng không quan tâm".
"Tôi ở nhà nhưng không hề rảnh. Việc đưa đón con, đi chợ, nấu cơm, quản lý bất động sản cho thuê, đầu tư chứng khoán, lên kế hoạch đi du lịch cho cả nhà... chiếm trọn hết thời gian của tôi. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, quan trọng là bản thân người phụ nữ phải biết sắp đặt cuộc sống như thế nào cho hợp lý. Hạnh phúc của bản thân tất nhiên sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh, nhưng bạn cũng phải tự hỏi bản thân rằng đã biết chủ động thu xếp cuộc sống của mình sao cho phù hợp nhất với điều kiện và hoàn cảnh của mình chưa? Ở đây, tôi chỉ muốn nói sẽ không có câu trả lời duy nhất cho mọi người. Câu trả lời nằm ở chính bản thân mỗi người", bạn đọc Trang nói thêm.
Những năm gần đây, công việc nội trợ của phụ nữ cũng nhận được nhiều sự cảm thông, trân trọng. Điều này còn được thể hiện ở xu hướng ngày càng nhiều đàn ông quyết định ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái hay san sẻ nhiều hơn gánh nặng việc nhà với vợ.
Khẳng định việc phụ nữ ở nhà nội trợ sướng hay khổ hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và cách sống của mỗi người, độc giả Linh tinh nhấn mạnh: "Sướng hay khổ là do mỗi người tự sắp xếp cuộc đời của mình. Tôi ở nhà tự do, thích làm gì thì làm, không phải chăm lo con cái vì nhà chỉ có hai vợ chồng. Chồng tôi tính thoáng, lúc trước mỗi tháng đưa vợ 40 triệu chi tiêu, ngoài ra vợ thích mua sắm gì cũng được.
Từ khi sang nước ngoài định cư, tôi còn chẳng buồn làm thẻ ngân hàng, đi mua đồ thì chồng trả, ví hết tiền lại được chồng nhét thêm một ít. Tính ra chỉ đc 1,2 triệu tiền tiêu vặt hàng tháng mà cũng chẳng thấy sao. Tôi cũng chẳng quản lý tiền chồng có bao nhiêu, còn tiền đầu tư bên Việt Nam thì tôi quản, tính ra phải quản lý tiền bạc còn đau đầu hơn. Nếu biết chi tiêu hợp lý trong khoản có được thì gia đình vẫn vui vẻ".
Đó cũng là quan điểm của bạn đọc Mạnh Cường: "Đi làm hay ở nhà không phải là vấn đề chính mà quan trọng là suy nghĩ, tính cách mỗi người. Bạn nghỉ hưu, vậy sẽ là tai họa vì không còn đi làm nữa? Đi làm vì tiền? Tiền có thể có từ nguồn khác như chồng đưa. Đi làm vì đam mê? Tự thực hiện đam mê không phải tự do hơn sao? Khi còn trẻ, còn sức khỏe mà không cần bỏ 10 tiếng mỗi ngày để làm công việc người khác yêu cầu thì còn gì bằng? Còn việc lo nhà cửa, con cái nếu không đi làm, vậy phụ nữ đi làm thì không cần lo việc đó?
Các cô đi làm, vẫn có thể bị chồng coi thường. Nhiều cô ở nhà, vẫn thấy hạnh phúc, vẫn được chồng yêu. Vậy nên, sướng hay khổ là tùy từng người, từng hoàn cảnh chứ không phải đi làm hay ở nhà".
Theo vnexpress