leftcenterrightdel
 Nếu không thể giữ cho con một gia đình hoàn hảo, hãy tạo điều kiện giúp con có tương lai tốt đẹp (Ảnh minh họa)

Hôn nhân tan vỡ, những người quen của tôi chọn chia tay trong văn minh có, rời xa trong sự giày vò nhau cũng có, nhưng điều tôi lưu tâm nhất vẫn là mấy đứa trẻ. Tôi rất muốn biết khi đi đến quyết định ly hôn, cha mẹ chúng đã tính toán tương lai những đứa con thế nào.

Tôi quen thân một gia đình hình mẫu khiến bao người mơ ước, cuối cùng họ cũng đưa nhau ra tòa. Cả anh và chị đều là giáo viên, nhưng mâu thuẫn nhiều và căng thẳng đến mức chẳng thể giảng hòa.

Tuy vậy, chia tay đã mấy năm nay, anh chị còn nhắn tin gọi điện cho nhau nhiều hơn thời kỳ hôn nhân. Họ luôn trao đổi để các con được học tập và giáo dục tốt nhất.

Ngày anh chị ra tòa, con gái và con trai của anh chị đã đến tuổi được hỏi ý kiến "con chọn sống với ai". Sau những trao đổi, chị quyết định không giành quyền nuôi con mà để cả hai đứa nhỏ cho anh, tránh cảnh các con phải phân vân khó xử.

Một thời gian dài chị bị người ngoài trách móc, rằng: “Mẹ kiểu gì mà không nuôi con” hay “Con thú nó còn biết thương con. Đằng này... Lòng dạ thế nào mới bỏ con”.

Chị nghe được thì buồn lắm, cố giải thích với người thân: "Không nuôi, không có nghĩa không thương. Con sống cùng ba nhưng không có nghĩa chẳng còn gặp mẹ".

Sau này, có dịp trò chuyện với chị, tôi cũng tò mò hỏi chuyện hai đứa nhỏ. Chị không ngần ngại chia sẻ: "Thời điểm đó, chị suy sụp về tinh thần, lại thường xuyên phải uống thuốc trị các bệnh vặt. Điều này làm ảnh hưởng đến công việc cùng nhiều chuyện khác. Trong khi ba tụi nhỏ vững tâm lý hơn và chị biết, anh ấy là một người tử tế. Vậy em nghĩ xem, chị có nên cố giành lấy quyền nuôi con không?".

Tôi không chỉ thấu hiểu mà còn cảm phục chị hơn. Bởi trong hoàn cảnh đó, chị vẫn sáng suốt đưa ra lựa chọn đúng cho các con. Giờ nhìn vào hai đứa nhỏ chăm ngoan, học giỏi, luôn vui cười, đặc biệt là luôn biết cách thể hiện tình yêu với mẹ, tôi tin rằng chị đã làm đúng.

Ngược lại, một chị đồng nghiệp cũ của tôi lại có cuộc ly hôn đầy ồn ào. "Cuộc chiến" của anh chị diễn ra suốt thời gian sống chung và ngay cả khi mỗi người đi một hướng. Trên mạng xã hội, chị không ngừng chỉ trích anh.

Anh chị có một cô con gái, chị đã cố gắng dùng mọi kiểu biện luận để giành quyền nuôi con. Nhìn vẻ háo thắng của chị, nhiều người e ngại việc chị giành nuôi không hoàn toàn xuất phát từ tình yêu thương mà để “dằn mặt” chồng và bên nội.

Mới đây, mẹ chồng cũ và em trai chồng cũ của chị sang xin đón cháu gái về nội ít hôm. Lúc đó chị không có ở nhà, ông bà ngoại thấy sui gia tới đón cháu thì vui vẻ đồng ý.

Chị đi làm về, không thấy con gái, đùng đùng nổi giận và bắt xe đi... đòi con. Tới nơi, chị không ngừng la hét, quát tháo. Hai bên to tiếng với nhau, con gái chị khóc lóc đến mệt lử. Chưa dừng lại ở đó, chị chụp hình hai mẹ con kèm những chia sẻ đầy tiêu cực rồi đăng lên mạng xã hội. 

Khoan nói ai đúng, ai sai trong câu chuyện này. Điều mà ai cũng bất bình đó là cách chị hành xử. Khi chị “nổi điên” chửi bới nhà chồng trước mặt con gái, liệu chị sẽ dạy con thế nào?

Nhiều người cho rằng mẹ sẽ chăm sóc con tốt nhất. Quyền làm mẹ và nuôi con là thiêng liêng, nhưng không hẳn người mẹ nào cũng làm tốt vai trò của mình. Nếu không thể giữ cho con một gia đình hoàn hảo, hãy để con được sống cùng người có điều kiện tốt nhất, giúp con có tương lai vững vàng. Điều kiện tốt ở đây, chính là cả về câu chuyện kinh tế, tâm lý và môi trường giáo dưỡng.

Theo phunuonline.com.vn