Chị Hạnh Dung ơi,
Mẹ em vừa mất đi đứa con trai 21 tuổi. Bây giờ cả nhà không biết phải khuyên nhủ mẹ sao để vơi bớt nỗi đau mất con. Đứa em trai cũng một tay em chăm nó từ nhỏ tới lớn. Nỗi đau của mẹ thế nào, thì em cũng đau như vậy.
Nhà còn ông bà và bố em, em không biết phải làm sao giúp họ vượt qua được. Chỉ mới qua 1 đêm, mà em thấy mọi người già đi rất nhanh. Đau đớn này làm sao nguôi ngoai?
Leenguyen
Em Leenguyen thân mến,
Đọc thư em, dù chỉ vài dòng, nhưng Hạnh Dung vẫn nhận ra em có một trái tim rất ấm áp, dịu dàng, biết quan tâm, chăm sóc, chia sẻ với người thân, ngay cả khi mình đang đau đớn nhất. Ở bên những người như vậy, người ta sẽ luôn cảm thấy dễ chịu.
Nỗi đau mất con, lớn lắm em ạ. Hạnh Dung nghĩ có lẽ đó là nỗi đau khủng khiếp nhất. Cái cảnh "lá xanh rụng trước lá vàng" nó phũ phàng, phi lý, bất công đến mức khó chấp nhận được với bất kỳ bậc cha mẹ nào.
Thế nên, cha mẹ và những người trong gia đình cần được sự động viên, an ủi đúng cách của người thân, cố gắng chấp nhận sự mất mát và nỗi đau đó, vì ta không thể thay đổi nó được.
Nếu mẹ muốn khóc, hãy để mẹ khóc. Nếu mẹ muốn nói về con trai, hãy để mẹ nói, mẹ kể. Nếu mẹ muốn im lặng và ở trong không gian riêng của mình, hãy cứ để mẹ được ở một mình, với em ấy, trong lòng.
Em chỉ cần ở bên mẹ bất cứ lúc nào có thể. Sự hiện diện, quan tâm, chăm sóc và tình yêu của em sẽ lấp đầy những khoảng trống trong lòng mẹ.
Hãy hỏi xem mẹ có muốn nói gì đó về con trai của mẹ không? Có thể mẹ muốn được nhớ lại những ký ức tốt đẹp về em ấy. Em hãy lắng nghe mẹ và kể cho mẹ nghe những kỷ niệm đẹp của em về em trai, để mẹ cảm nhận được rằng em ấy đã sống vui, đầy đủ cuộc đời mình.
Hãy chủ động làm cái gì đó cho mẹ, nấu một món ăn mẹ thích, dọn dẹp phòng mẹ, giặt đồ, mua cho mẹ một món gì đó mẹ cần. Nếu tính mẹ năng động, cởi mở... thì thỉnh thoảng rủ mẹ ra ngoài ăn tối, uống cà phê, đưa mẹ tới một nơi nào đó đẹp đẽ, nhẹ nhàng...
Với tất cả mọi người trong nhà, em cũng có thể làm những điều tương tự. Có vẻ như, giờ đây em là người mạnh mẽ nhất, tỉnh táo và còn sức lực nhất. Hãy ở bên cạnh mọi người để chia sẻ với họ nỗi đau chung.
Hãy kiên nhẫn và thấu cảm mọi người. Đừng yêu cầu họ phải mạnh mẽ lên, phải vượt qua nhanh, phải tiếp tục sống... Mỗi người có những cảm xúc riêng, thậm chí là thấy mình có lỗi, chưa đủ yêu thương, chăm sóc cho người đã mất. Em hãy dịu dàng với mọi cách thể hiện cảm xúc của họ.
Không gì bằng lòng trắc ẩn, sự tinh tế và tình yêu thương chân thật. Chúng sẽ hướng dẫn cho em xoa dịu nỗi đau của mọi người và của chính bản thân mình.
Theo phụ nữ TPHCM