Chị Hạnh Dung thân mến,

Vợ chồng em mới sinh con được 5 tháng. 2 tháng đầu chồng em xích mích với em, vô lễ với gia đình em. Anh ấy vẫn sống trong nhà em, nhưng mặc kệ vợ con, và sống vô trách nhiệm.

Sau khi bé được 3 tháng thì anh ấy ra ngoài ở, không hề góp tiền nuôi con, không hề hỏi han tới con. Còn nhà nội thì từ khi em sinh, có lẽ do con em là con gái nên cũng bỏ rơi luôn.

Em đã nhiều lần nói chuyện với anh ấy, mẹ anh ấy, nhưng vẫn không có gì thay đổi. Vậy em muốn đơn phương ly hôn thì phải làm sao, khi không có giấy tờ của anh ấy ạ?

Mỹ Hằng

Em Mỹ Hằng thân mến,

Trước tiên, Hạnh Dung sẽ trả lời đúng câu hỏi mà em gửi cho chuyên mục: Làm gì khi em muốn đơn phương ly hôn trong trường hợp em không có giấy tờ của chồng?

Em chỉ cần nộp đơn xin ly hôn tại tòa án địa phương chồng em đang cư trú cùng với giấy đăng ký kết hôn. Khi đó tòa án sẽ căn cứ theo các thông tin trên giấy đăng ký kết hôn của em để triệu tập chồng em.

Việc làm thì có vẻ như hết sức đơn giản, nhưng Hạnh Dung nghĩ rằng em hãy suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định làm điều này.

Nếu tất cả các vấn đề chỉ phát sinh trong vòng 5 tháng sau khi em sinh con, thì đó là khoảng thời gian quá ngắn để em quyết định một việc quá quan trọng, không chỉ với em, chồng em, mà thật sự ra còn quan trọng hơn cả là với con em.

Cháu bé mới chỉ 5 tuổi, cháu còn chưa biết cha mình là ai. Thế nhưng với quyết định của mẹ, có thể cháu sẽ không bao giờ còn được biết, được nhận tình yêu thương của người cha. Đó sẽ là thiệt thòi ghê gớm cho cuộc đời của cháu.

Vì thư của em quá ít thông tin, nên Hạnh Dung chỉ có thể đặt cho em những câu hỏi, để em có thể từ đó mà suy nghĩ, cân nhắc quyết định của mình.

Em và chồng đã đến với nhau như thế nào? Tình cảm và cuộc sống của cả 2 trước khi bé ra đời ra sao? Mẹ chồng và chồng em có bao giờ nói thẳng hay bóng gió về việc muốn có con gái hay con trai không? Vì sao chồng em lại xích mích với em và cha mẹ vợ? Người ta thường nói "ở rể như chó chui gầm chạn", liệu điều này có phải là nguyên nhân gây nên mâu thuẫn?

Quá nhiều câu hỏi cần được trả lời để Hạnh Dung có thể khuyên em một cách rõ ràng và thuyết phục nhất. Nhưng quan trọng hơn, Hạnh Dung vẫn nghĩ khoảng thời gian 2 tháng sau khi xích mích và chồng bỏ đi mà em đã làm đơn xin ly hôn là quá vội vã.

Sau khi sinh, nhiều người mẹ thường có tâm lý nhạy cảm, dễ tổn thương, hay suy nghĩ linh tinh. Chồng em thì ở rể, cũng lần đầu làm bố, những khó khăn mới mẻ cũng có thể làm cho anh ấy không thể có được những suy nghĩ, hành động thích ứng với hoàn cảnh mới.

Chồng em bỏ đi trong trạng thái tâm lý bất ổn, chắc chắn khi kể lại cho gia đình mình sẽ phần nào mang điều bất ổn ấy đến cho cả mẹ mình. Anh ấy và mẹ anh ấy sai khi cùng im lặng, không hỏi han đến con, cháu mình. Thế nhưng có thể họ cũng bị tổn thương và bối rối, chưa biết nên làm gì.

Theo Hạnh Dung, tâm trạng, cảm xúc của tất cả mọi người lúc này đều bối rối, hoang mang. Tệ hơn nữa là có lẽ ai cũng chỉ chú ý đến cảm xúc của mình, không quan tâm đến người kia nghĩ gì, cảm thấy gì...

Ngay lúc này, mọi người đều cần thời gian để bình tâm lại. Thời gian 2 tháng sau cuộc xích mích và chồng em bỏ đi thật ra là chưa chứng minh được sự tan vỡ tất yếu của một gia đình. Ngay lúc này, lá đơn ly hôn có thể sẽ chặn luôn cánh cửa quay về của chồng em thì sao?

Việc em cần làm bây giờ là chăm sóc mình và chăm sóc con, để bản thân được khỏe mạnh và con được cứng cáp hơn. Khi sức khỏe tốt và nhìn thấy con lớn dần, em sẽ có đủ thời gian và sự tỉnh táo để suy nghĩ mọi việc.

Hãy để cho chồng biết rằng em và con vẫn luôn mong chờ anh ấy quay về, để vợ chồng có thể cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn và cùng chăm sóc con.

Bình tĩnh lại một chút, em sẽ hiểu rằng với một người mẹ, quyền lợi của con là điều quan trọng hơn cả. Nếu cả cha và mẹ cùng biết nhường nhịn nhau để giải quyết mọi vấn đề, thì bé sẽ được lớn lên trong một gia đình trọn vẹn.

Theo phụ nữ TPHCM