Vừa ngồi xuống, chị dâu tôi đã bắt đầu nói, ánh mắt hằn học, lời lẽ đay nghiến. Là người vô can, không sống chung ngày nào với chị mà tôi vẫn nghe cảm giác mệt mỏi bủa vây.

Chị nói về anh tôi. Nào là anh vào bàn là nhậu đến say mèm, ngủ gục lên bàn, con quên đón, nhà quên về. Quen nhau 3 năm trời chị biết chứ, nhưng chị nghĩ là có vợ có con thì anh sẽ khác. Đàn bà sao không cà phê, ngủ nướng khi có chồng, có con, mà đàn ông trước sau như chưa có gì xảy ra vậy?

Anh cả nể với cả thế gian. Ai nhờ gì cũng hứa, ai kêu gì cũng hẹn, dù bản thân biết mình không thể giúp. Chị phải đưa lưng ra chống đỡ biết bao lần. Còn chuyện nhà nhờ anh giúp đều ngàn lần trơ trơ. Chẳng được tích sự gì, sức lực đâu nắm níu cả đời đây em?

Tôi ngồi im, không trả lời vội, lắng nghe chị nói, lắng nghe chị hờn dỗi. Đàn bà cần được chia sẻ cảm xúc. Tôi hiểu họ nói như một kiểu xả stress. Không riêng chị dâu, hình như, tôi chưa từng nghe người đàn bà nào không “nói xấu” chồng như một kiểu trần tình. Thậm chí mẹ và các dì tôi có hơn 40 năm hôn nhân, thi thoảng ngồi với nhau còn nói thật to, đại ý như: “Ai rước giùm tôi ông chồng, tôi cảm ơn, cho khỏe cái thân này”.

Ở với nhau lâu, có ai không bộc lộ hết con người thật của mình, giữ kín gì được. Mà con người thật, nghĩa là có xấu có tốt, có ưu có khuyết. Tìm đâu ra con người thập toàn thập mỹ? Không biết chừng, nếu có người đó, chưa chắc ta có thể vui vẻ, hài lòng khi ở bên họ. Và cũng biết đâu, họ như chàng Narcissus trong thần thoại - chẳng yêu ai, chỉ đắm say bản thân mình.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Sự khiếm khuyết trong đời này có ý nghĩa và sứ mệnh của nó. Đó chính là để dạy cho chúng ta bài học về lòng thương, sự bao dung, ý thức nỗ lực và hoàn thiện bản thân. Nó như bóng đêm, như sự hữu hạn của đời người. Sự có mặt của khiếm khuyết có giá trị tôn vinh, trân trọng, thúc đẩy điều cao thượng, tốt đẹp. Phàn nàn là đúng, nhắc nhở là đúng, nhưng chua chát chì chiết, coi chừng đi quá giới hạn.

Đàn bà không hiểu rằng, đàn ông thường không nói nhiều. Đàn ông không chấp nhặt những giận dỗi, lẫy hờn, bóng gió của đàn bà, nhưng tất cả đều có giới hạn. Đàn bà cần hiểu rõ giới hạn làm vợ của mình. Nghe chị nói, một cách tự nhiên, tôi đứng về phía anh; bởi lẽ, bất kể đúng sai, với cách chị nghĩ, với điều chị nói thì chị đang thiêu rụi chút tình yêu, tình thương còn sót lại thành tro. Giới hạn của anh đã bị xâm phạm. Bằng chứng là trận cãi nhau to, mấy cái ly bể tan tành, anh đóng ầm cửa, bỏ đi. Từng mảnh thủy tinh tung tóe khắp nơi và từng lời ghim vào tim chị: “Sống không được nữa thì ly hôn đi!”. Giờ chị ngồi đây, với đôi mắt sưng húp, ngổn ngang giận dữ, tủi thân lẫn lo sợ.

“Chị không muốn ly hôn, phải không?” - tôi hỏi. Chị lắc đầu, nước mắt bắt đầu chảy. Đàn bà muôn đời là vậy, hờn giận càm ràm là để được thông cảm, an ủi, vỗ về chứ không phải để từ bỏ. Họ chỉ từ bỏ khi đã nắm níu hết sức. Chồng của họ, họ kể lể bao là nết xấu đó, nhưng, thử có ai đụng đến cái “cái cục nợ” ấy mà xem. “Thanh củi mục” sẽ thành trầm hương, báu vật. Có mấy người đàn bà nghĩ đến một cuộc tan đàn xẻ nghé chỉ vì những va chạm còn chấp nhận được trong hôn nhân? Thậm chí, ngoài kia còn biết bao đàn bà gạt nước mắt âm thầm cũng cố giữ một mái nhà.

Tôi ngồi nhìn chị. Chị dường như đã bình tĩnh, nhẹ nhàng khuấy ly cà phê sữa lúc này đã chia thành 2 nửa riêng biệt - nửa cà phê và nửa nước do đá tan ra. Câu chuyện của chúng tôi dần đi theo hướng nên chăng cần chấp nhận pha trộn 2 nửa tốt - xấu của chồng của vợ, để nương nhau mà sống.

Đúng rồi, hãy nghĩ về những ngọt ngào thú vị ngày xưa - những ngọt ngào mà vì nó ta nguyện một lòng, thậm chí từ bỏ nhiều thứ để theo người, để nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng vui sống. Hãy lấy những điều tốt đẹp trong tính cách để san sẻ, bù đắp những nhạt nhẽo lỗi lầm; như phần đá tan ra của ly cà phê để uống. Để thấy, khi pha trộn lại, hương vị vẫn ngọt ngào, ai đâu nỡ bỏ cho đành.

Theo phụ nữ TPHCM