Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi năm nay 46 tuổi, có 2 con đều là trai. Cách đây nửa tháng, con trai đầu của tôi 17 tuổi đi tắm biển bị đuối nước và mất. Vợ chồng tôi đang sống trong những ngày tháng tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng.

Chúng tôi phải làm gì đây hở chị?

Dương Văn Hoàn
leftcenterrightdel
 

Anh Dương Văn Hoàn thân mến,

Khi anh viết bức thư nhỏ này cho Hạnh Dung, chính là anh đang làm một điều giúp mình vượt qua nỗi đau, anh ạ. Bởi vì một trong những cách để không phải chìm trong đau buồn, chính là đừng tự cô lập bản thân, đừng co rút vào trong nỗi đau của chính mình.

Hãy mở lòng ra, mở nỗi đau của mình ra, tâm sự với bạn bè, người thân, gia đình, thậm chí là một người lạ, nhưng anh biết rằng người đó có thể hiểu, thông cảm, chia sẻ, nâng đỡ anh. Như cách anh đang trò chuyện với Hạnh Dung.

Khi vừa mất người thân, một trong những tâm lý của người ở lại là sự dằn vặt, ân hận, đổ lỗi cho ai đó, hay cho chính mình. Người ta cảm thấy mình chưa sống tốt, đối xử tốt với người mình yêu thương. Thậm chí, người ta nghĩ rằng sự ra đi của người kia có phần lỗi của chính mình.

Điều đó thật sự không giúp bạn vơi đi nỗi đau. Có thể bạn sẽ nhẹ lòng đôi chút, nhưng sau đó mọi việc sẽ quay trở lại nặng nề hơn. Một trong những điều khó làm nhất, nhưng nhất định phải làm, đối với những người đang trải qua nỗi đau mất con như anh, là việc chấp nhận rằng điều đó đã xảy ra, rằng đứa con thân yêu của mình đã không còn nữa.

Đừng cố gắng giải thích chuyện đau khổ này bằng những lý do thực tế, mà hãy tin đôi chút vào thế giới tâm linh: Rằng con đã đến thế giới này như được trao cho một nghĩa vụ nào đó rất đẹp đẽ và bình yên: sống vui vẻ với cha mẹ, anh em, tận hưởng tình yêu thương của mọi người. Và giờ đây, như mọi việc đều có giới hạn của nó, thời gian của con đã hết, và con ra đi tới một thế giới khác, một cuộc sống khác, chỉ vậy thôi.

Làm điều đó cũng không có nghĩa là tự lừa dối mình, mà thực tế có nhiều vấn đề khoa học cũng chưa giải thích được về sự sống và cái chết, thì mình hãy để cho thế giới mơ hồ đó giúp đỡ tinh thần của mình đôi chút: tin rằng con đang có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuộc sống đó sẽ nhẹ nhàng hơn, nếu con ngoái lại và thấy cha mẹ rồi cũng đã yên lòng...

Anh và chị đang có nhau để có thể cùng nhau vượt qua nỗi đau. Hãy nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau, chứ đừng nắm lấy nhau để mà cùng chìm xuống vực sâu của sự tuyệt vọng.

Hãy cùng nhau đi ra ngoài, tham gia vào các hoạt động thể chất, thiền định hay yoga, hoặc làm một điều gì đó mới mẻ mà anh chị chưa từng làm: đạp xe, vẽ tranh, làm gốm, đọc sách, nghe nhạc... Hãy cho cơ thể mình những hoạt động cần đến năng lượng và sự tập trung.

Nhớ đừng bỏ bữa, đừng bỏ bê cơ thể mình. Hãy động viên nhau ăn uống, giữ gìn sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh như ăn uống hay tập luyện thể thao. Khi cơ thể khỏe mạnh, ta mới có sức đi qua đau khổ, và dần dần sẽ thấy nó nhẹ hơn.

Hãy tin rằng dù con có đi xa, cũng sẽ muốn người ở lại sống tốt hơn, dành thời gian cho đời sống đang có nhiều hơn, tốt hơn, tích cực hơn, để con được yên lòng.

Anh chị còn một đứa con nữa, có lẽ giờ đây chính cháu cũng đang hết sức đau khổ, bất lực với nỗi đau của cha mẹ. Nhưng cháu còn trẻ, còn sức và còn nhiều tương lai đẹp đẽ để mạnh mẽ đi tới, sống cả phần của anh trai mình, chịu trách nhiệm giùm anh mình về sự bình yên của cha mẹ.

Hãy vì sự sống đó mà nâng tinh thần lên, đừng để cháu phải sống cạnh nỗi đau và cảm giác bất lực quá lâu. Hãy cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm đẹp, và bắt đầu một cuộc sống mới, tuy có thiếu đi một điều quan trọng, nhưng sẽ được trân quý nhiều hơn sau mất mát.

Theo phụ nữ TPHCM