Chuyện này có ở nhà cha mẹ tôi từ hồi xa lắc xa lơ và sau này là nhà tôi, nhà chị tôi, nhà em tôi… Cứ tưởng cái tủ lạnh thời hiện đại sẽ ngót dần qua mỗi kỳ tết. Nhưng không, năm nào “ra mùng” chúng tôi cũng phải đau đầu xử lý đồ ăn thừa. Các ông chồng, các đứa con mặt mày méo xẹo vì phải ăn đồ cũ.

Ví dụ món thịt kho trứng. Trước tết, con gái tôi dặn mẹ đừng quên sự kiện thịt kho năm ngoái - giữa tháng Giêng chưa thể dọn tủ. Tôi cười nói, đấy là do nhà dì Hai kho. Năm nay mẹ kho, phải khác chứ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Số là năm nay tôi dùng tiền thưởng tết sắm cái nồi luộc gà loại lớn của một hãng xịn. Nồi inox đẹp lắm, bà nội trợ nào nhìn cái nồi cũng mê. Bao năm phải luộc gà trong nồi chật, canh nước canh lửa cỡ nào, con gà của tôi vẫn toác lưng và tụt da đùi. Chưa kể bên trong còn "phơi phới lòng đào".

Năm nay, nhờ “chơi lớn” việc sắm nồi, đêm giao thừa, tôi đã được hân hoan nhìn sản phẩm là con gà luộc da vàng mướt mịn. Nhưng đó là chuyện con gà đêm 30. Chẳng ai mua hẳn cái nồi xịn như vậy mà chỉ làm 1 món. Thế nên ngày 29 tết, tôi đi chợ mua trứng gà và thịt ba rọi để làm món thịt kho trứng kinh điển.

Món này không khó, nhưng năm trước tôi bận quá nên đặt mua của hàng cơm tấm dì Hai đầu hẻm. Dì kho chưa thấm, chồng con tôi ăn rất uể oải, nhiều bữa dọn ra lại phải hâm lại rồi cất vào, thành ra tới giữa tháng Giêng mới thanh 
toán xong.

Năm nay, tôi kho thịt xong thì múc vào 5 hộp 500ml, chiếm mất nửa ngăn tủ. Tôi dự tính mỗi bữa sẽ lấy ra “xử” 1 hộp. Thời gian tết nhất là để nghỉ ngơi, đi chơi. Mọi nhà đều trữ một ít thức ăn nấu sẵn như thịt kho, khổ qua hầm, măng hầm… để "giải phóng phụ nữ" khỏi căn bếp. Chồng tôi không biết ăn khổ qua, đám nhỏ không thích măng, nên chốt lại, món thịt kho trứng vẫn được chọn là món chủ đạo nhà mình. Chỉ cần cắm thêm nồi cơm, làm thêm chút rau, soạn vài món phụ là có mâm cơm tết.

Nghe có vẻ hợp tình hợp cảnh, vậy mà chỉ bữa ăn đầu, chồng con tôi hào hứng. Sang tới bữa thứ ba, chẳng ai buồn đụng đũa, chính tôi cũng thấy ngán. Như con gà luộc đêm 30 thì ngày mùng Một phải “ăn dọn”. Các con tôi quen ăn gà tây nên chê gà ta, chỉ còn tôi và chồng vất vả “khoán việc” cho nhau.

Hàng loạt món "phải có" ngày tết khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Rút kinh nghiệm “khủng hoảng thừa” của mấy năm trước, gần đây tôi đã hạn chế mua chả giò, chả lụa mà chọn món điều vị hơn như nem chua, tai heo ngâm, hành kiệu, dưa món… song món nào cũng rơi cảnh dây dưa. Kết cục là tủ lạnh đầy những tô, chén, gói, bịch thức ăn dở…

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Tôi nghĩ, các bà nội trợ ngày nay đều hiểu, các món tết cổ truyền chỉ nên nấu in ít. Nhớ ký ức xưa thì ăn 1 bữa gọi là, để không quên truyền thống. Thực đơn hằng ngày của chúng ta đã đổi khác theo nhịp sống hiện đại rồi, tết ăn hoài các món từ thịt sẽ ngán, dẫn tới dư thừa, ế ẩm.

Sau tết, ngăn tủ lạnh nhà nào cũng trĩu nặng các loại thịt thà, giò chả, bánh chưng. Nhưng chung quy, sự thừa mứa này cũng tại cái tật mua nhiều, mua không kiểm soát của đàn bà.

Không mua có được không? Sao được! Tết là phải sung túc, đủ đầy. Mua ít có được không? Được chứ. Nhưng lúc đi chúc tết, đi chùa, đi cà phê, về, không còn sức nấu nướng, dọn chút thức ăn sẵn ra có phải tiện không? Ít thì làm gì có dư cho các tình huống như vậy? Đấy, cái vòng luẩn quẩn lặp lại.

Hôm rồi, cô đồng nghiệp khoe tết nay cô ấy đặt mâm cúng của một nhà hàng, các món soạn chỉ vừa đủ trong đĩa nhỏ, tô nhỏ. Tính ra rẻ hơn tự ra chợ tết xếp hàng mua sắm về nấu nướng, bày biện lích kích. Tới mùng Một, là ngày giỗ ba chồng, cô ấy còn mua pizza - món ông già thích ăn hồi còn sống - về cúng. Thế nên mẹ không vất vả nấu nướng, lũ trẻ lại có thể hào hứng xử lý gọn gàng, không thừa mứa, lãng phí.

“Thật là thông minh, hiện đại”, chị em trong phòng cùng thốt lên và gật gù dự tính cho năm tới. Tuy vậy, tôi lại nghĩ, có lẽ còn rất lâu nữa, chiếc tủ lạnh tháng Giêng của các nhà mới thôi chật. Là bởi, đàn bà muôn đời có tâm lý lo xa, thích tích trữ, là bản năng tha mồi về tổ ấy mà.

Tết đến, mấy ai đám cam đảm để chiếc tủ lạnh trống, dù chúng tôi đều biết chợ và siêu thị có đóng cửa quá 2 ngày đâu. 

Theo phụ nữ TPHCM