“Chiều nay, em về sớm được không?”. Khi tôi chuẩn bị đi làm, chồng nói câu ấy với ánh mắt thảm hại. Tôi không nỡ nói rằng việc đó hơi khó. Nhanh chóng sắp xếp lại lịch trình trong đầu, tôi nhẩm tính nếu đẩy lịch buổi chiều lên vào bữa trưa, tôi sẽ có thể tan ca sớm, khoảng 4 giờ chiều. “Giờ em phải đi đã”, tôi vỗ về anh rồi đóng cửa. Lòng tôi trĩu nặng khi thấy khuôn mặt anh qua cánh cửa đang đóng lại.
Chồng tôi đã “nghỉ thai sản” được hai tháng và gần đây anh có vẻ bị trầm cảm. Anh làm việc cho một công ty bình thường, chỉ ở mức ổn định, và tôi, một freelancer có thu nhập cao hơn nhưng bấp bênh. Tôi sinh một cậu con trai kháu khỉnh và đã nghỉ sau sinh bốn tháng.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Bố mẹ hai bên đều sống ở quê và đã lớn tuổi nên vợ chồng tôi cũng không nỡ nhờ vả ông bà. Tôi rất chật vật khi nuôi con đầu lòng vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Chồng phải đi làm nên anh ngủ trong phòng ngủ của vợ chồng. Tôi và em bé ngủ trong phòng của con, cứ gần sáng tôi lại phải thức dậy để cho con bú. Những hôm chồng tăng ca, tôi còn kiệt sức hơn.
Sẽ thật tuyệt nếu tôi được nghỉ sáu tháng thai sản như những nữ nhân viên văn phòng bình thường, nhưng như thế lại thật rủi ro cho sự nghiệp của tôi nếu phải rút khỏi dự án đã được lên lịch vào cuối năm nay. Đó là một dự án quy mô lớn có thể đem về cho tôi khoản thù lao không hề nhỏ và còn có thể làm thay đổi tích cực đến công việc của tôi sau này.
Trước sự lo lắng của tôi, chồng nói anh sẵn sàng xin nghỉ phép nuôi con một năm. Tôi như trút được gánh nặng, hứa với anh sẽ làm thật tốt việc của mình để xây dựng gia đình nhỏ của chúng tôi thêm vững chắc.
Chồng tôi là kiểu người chồng đảm đang. Vốn dĩ anh ấy tỉ mỉ và gọn gàng hơn tôi nên rất giỏi việc nhà. Tôi đã vẽ một bức tranh thật đẹp với viễn cảnh anh đẩy xe em bé vào một quán cà phê, vừa ngồi thưởng thức một tách cà phê vừa theo dõi thị trường chứng khoán qua chiếc máy tính bảng.
Tuy nhiên, việc chăm sóc em bé không hề dễ dàng. Đầu tiên là việc nhà của tôi và chồng thay đổi 180 độ. Buổi tối, tôi ngủ trong phòng ngủ vợ chồng còn anh ấy ngủ trong phòng của con. Anh làm tất cả từ pha sữa rồi cho bé bú, tắm và mặc quần áo cho bé…
Nói gì đến hình ảnh xe đẩy và tách cà phê thảnh thơi, suốt ngày chồng phải ẵm con và dỗ dành vì con liên tục quấy khóc. Anh kể có nhiều lúc thậm chí còn không thể đi vệ sinh cá nhân, mọi thứ đúng là khó khăn hơn tưởng tượng rất nhiều. Những ngày tôi phải làm thêm giờ, đi làm về thấy khuôn mặt của chồng hốc hác đi một nửa gần đúng nghĩa đen.
Và cứ thế, chồng tôi bắt đầu ít nói, buồn buồn. Một ngày nọ, anh đột nhiên ôm lấy tôi và nói: “Em à, anh nghĩ mình bị trầm cảm mất rồi. Anh phải làm sao đây?”. Suốt ngày ru rú trong nhà và phải vật lộn với đứa trẻ khiến anh mệt mỏi và trở nên tự ti.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Nuôi con đầu lòng, chúng tôi không có ai để chia sẻ những lo lắng về con cũng như cuộc sống hằng ngày. Tôi và chồng lấy nhau hơi sớm nên nhiều bạn bè của chúng tôi vẫn chưa lập gia đình. Chúng tôi đơn độc trên hành trình này.
Nhìn gương mặt bất lực của chồng, lòng tôi nhói đau. Vì vậy, mỗi khi đi làm về, tôi luôn đẩy anh ra ngoài tập thể dục hay buộc anh đi gặp gỡ bạn bè vào cuối tuần, nhưng có vẻ anh vẫn không hồi phục tốt.
Ban đầu, chồng tôi dự định sẽ nghỉ phép một năm, nhưng tôi đang nghĩ cách để anh có thể đi làm lại sớm hơn khoảng sáu tháng, khi dự án của tôi đã sắp hoàn thành.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Một lần nữa tôi nhận ra rằng việc nuôi dạy một sinh mệnh là vô cùng gian nan. Đứa bé đáng yêu và kháu khỉnh, nhưng đối với những người lần đầu làm cha mẹ, những việc dù là nhỏ nhặt nhất đều trở thành vấn đề lớn và mọi thứ cứ như là nhiệm vụ bất khả thi. Thực tế có vẻ không hề giống như những gì xuất hiện trong những bộ phim gia đình ấm áp.
Chúng tôi chỉ có thể vỗ về nhau để cùng nhau vượt qua khoảng thời gian này, và mong rằng bình yên sẽ đến với cả ba chúng tôi, càng sớm càng tốt. Chồng ơi, em yêu anh!
Theo phunuonline.com.vn