Chị là nhân viên hành chính của tập đoàn V., xinh xắn và tươm tất. Rời nơi làm việc lúc 5g chiều, đón con, về nhà cất vội chiếc túi, chị tắm con, làm thức ăn cho bé rồi mẹ con hò hét nhau tới khi chén cháo cạn. Khi con bé đọc truyện tranh, chị tay dao tay thớt cho những món chồng ưa thích.

Vừa làm chị vừa nhìn đồng hồ, sợ anh về mà miếng thịt nướng trong lò chưa sém vàng hay món chả giò trên chảo chưa kịp giòn. Dọn bữa cơm tươm tất ra bàn, chị chờ tiếng mở cửa. Nửa tiếng trôi qua, chị sốt ruột cầm điện thoại. Chị định gọi, hỏi anh về tới đâu rồi, nhưng chị nhớ “Anh rất ghét những cuộc điện thoại không có nội dung quan trọng” - anh từng gầm lên như vậy.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Chừng 8 - 9g tối, chị sẽ cho con uống sữa rồi dắt ra cửa. Loanh quanh chơi chán ở hành lang, chị sẽ đưa con xuống sảnh chung cư, dắt con ra tận vỉa hè ngóng chồng. 

Một hôm, bỗng dưng chị túm lấy tay tôi, nói chị chán ngán những buổi tối chờ chồng mòn mỏi. Rồi chị kể, khắp mấy lốc chung cư này, có tới vài chục những cặp “mẹ bồng con” chờ chồng về ăn cơm. Chồng hôm nào vui thì về sớm, nhưng ngày vui ít lắm. Nửa đêm, các anh lê thân về nhà với mùi bia rượu, có khi chẳng thay nổi bộ áo quần, lăn ngay lên giường ngủ mê mệt.

Chị hỏi tôi “Hội mẹ bồng con” phải làm gì, vì chị không thể bắt con cùng mẹ chờ cha thế này mãi. Con chị cần ngủ sớm để cao lớn, đảm bảo sức khỏe. Nhưng trẻ con nhạy cảm lắm, khi mẹ còn lo lắng, còn bất ổn thì không thể nào chúng ngủ trước được.

Nghe chị hỏi, tôi cười lăn với cụm chữ “Hội mẹ bồng con”. Tôi là người chuyên gầy dựng các hội nhóm mạng xã hội, chuyên tổ chức sự kiện. Tôi hỏi chị, sao cái hội này không “liên kết lại” giới thiệu sách đọc cho con ngủ, chia sẻ link phim hay để “luyện”, rồi bày trò cho hội lớn mạnh lên, thêm nhiều thành viên chia sẻ tâm tình nọ kia.

Tôi không muốn chị nghĩ xấu về chồng, chỉ muốn chị hiểu rằng, mọi người đều có thể bị lệ thuộc tâm lý vào người khác, nếu không biết tự tìm ra niềm vui cho mình. Khi anh ra ngoài nhiều hơn, chị cũng nên xây dựng một nếp sinh hoạt phù hợp, thay vì chờ đợi rồi căng thẳng. 

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Chẳng biết những tâm tình của tôi có ý nghĩa gì với chị không mà kỳ nghỉ lễ dài vừa rồi, khi anh chồng bươn bả trên công trình, chị đã một mình đưa con đi nghỉ ở biển. Chị cũng nói sau hè sẽ chuyển con từ nhà trẻ tư thục học phí cao sang trường công chi phí chỉ bằng 1/3. Chị có thể dư dả để thỉnh thoảng đưa con đi cà phê, mua sắm cái áo đẹp. Chị thấy như thế hơi hoang phí, nhưng đầu tư cho tinh thần của mình cũng là cách đầu tư cho con một thế giới vui tươi, tự tin và lành mạnh.

Tôi lại gặp chị ở thang máy, vẻ mặt chị đã có nét sinh động theo mái tóc ngắn lắc lư, không còn những chiếc lô cuốn màu đỏ xấu xí. Tôi biết chị đã thoát khỏi mái tóc mà để có những lọn đẹp mỗi sáng thức dậy, chị cũng như bao phụ nữ khác mất cả đêm với những vướng víu mệt nhoài. 

Theo phụ nữ TPHCM