Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi năm nay đã 65 tuổi. Lúc trẻ, chồng tôi có quan hệ bất chính với người khác. Cả nhà chồng đều biết và che giấu cho ông ấy. Đến khi tôi biết, thì mẹ chồng lấy lại nhà và ruộng đất nên tôi phải dẫn con ra đi với 2 bàn tay trắng. Chồng không bảo vệ vợ con, mà còn có những hành động tàn nhẫn với tôi.
Sau một thời gian anh quay về, vì con còn quá nhỏ nên tôi cũng bỏ qua. Nhưng hơn 30 năm qua, trong lòng tôi vẫn nhớ những gì anh và gia đình anh đã đối xử với tôi ngày đó.
Dù vẫn sống chung, nhưng tình cảm trong tôi đã chết, tôi không muốn quan hệ vợ chồng hay có bất kỳ cử chỉ thân mật nào với nhau. Hay chính xác là ghê tởm.
Tôi cũng muốn quên đi quá khứ để vợ chồng vui vẻ lúc về già, nhưng tôi không thể tỏ ra bình thường được, khi trong lòng vẫn ám ảnh những chuyện trước kia.
Hạnh Dung có cách nào để tôi quên được những ký ức đau thương không? Tôi không giận, không hận, nhưng thực lòng một chút tôn trọng với ông ấy tôi cũng không có. Tôi phải làm sao cho lòng mình được an lạc đây?
Nguyễn Thanh Vân
Chị Thanh Vân thân mến,
Rất đồng cảm và thấu hiểu nỗi niềm chị đã trải qua. Khuyên chị quên đi tổn thương mà chị phải gánh chịu trong quá khứ, thật sự là chuyện không thể, chỉ có thể chia sẻ với chị vài điều về sự tha thứ và buông bỏ, để chị thử chiêm nghiệm xem có áp dụng được cho mình không.
Câu chuyện xảy ra đã hơn 30 năm. Trong quá khứ, chị đã dặn với lòng mình bỏ qua những tổn thương mà anh ấy cùng gia đình gây ra cho chị. Khi đấy, vì con, chị đã làm được điều khó khăn tưởng chừng không thể đó.
30 năm là quãng dài của đời người, đầy rẫy những áp lực, lo toan mà chị phải đối mặt và vượt qua, để có được gia đình trọn vẹn mà chị đã chọn lựa, hy sinh chính bản thân mình. Với con cái và gia đình, đó quả là một công trạng to lớn.
Thế nhưng ai có công thì phải được tưởng thưởng chứ, chị nhỉ? Mà phần thưởng cao nhất cho người có công chính là niềm vui, là sự bằng lòng về những nỗ lực của chính mình, là sự an lòng, nhẹ nhàng, thanh thản.
Nếu bây giờ chị vẫn tiếp tục sống trong hận thù, khinh khi, là chính chị đang phủ nhận những cố gắng của chính mình, tước đi phần thưởng cho sự hy sinh, lòng bao dung của mình đấy chị ạ.
Người ta nói rằng tha thứ cho người, trước hết là cho mình niềm vui, sự bình an. Bởi xét cho cùng, khi hận thù dai dẳng, thì cái cảm xúc đó sẽ gặm nhấm, giết dần mòn những nơron thần kinh của mình, triệt tiêu niềm vui sống, khiến cuộc sống của mình mất đi ý nghĩa.
Chị đã hy sinh bản thân, chấp nhận nỗi đau, sự tổn thương của mình để giữ lại gia đình cho con cái, thì bây giờ liệu sự hy sinh đó còn có ý nghĩa không, khi chị hoàn toàn không thấy hạnh phúc? Và nếu con cái chị biết được điều đó, chúng có đau lòng không, có nghĩ rằng mình là một phần nguyên nhân khiến mẹ không thể sống yên, dù trong tuổi già hay không?
Con người ai cũng có sai lầm. Chồng chị cũng vậy, gia đình chồng cũng vậy. Quan trọng là sau đó họ biết sửa sai, phục thiện. Chị hãy thử xem xét xem 30 năm qua, chồng chị có còn lặp lại sai lầm đó hay không?
Và hơn nữa, chẳng lẽ cách chị đối xử (không quan hệ vợ chồng, không có cử chỉ thân mật nào) anh ấy lại không hiểu? Thế nhưng anh ấy cũng đã chấp nhận sự trừng phạt đó suốt cả một quãng thời gian dài, không lẽ anh ấy không đáng nhận được sự tha thứ của chị?
Hãy cho gia đình mình, cho chồng mình và nhất là cho chính mình cơ hội để bình yên, để nhẹ lòng mà sống vui vẻ bên nhau tuổi già, chị ạ. Công sức chị hy sinh, vun vén gia đình, công sức anh chấp nhận sự ghẻ lạnh, coi thường của chị cũng nên có được chút gì đền đáp.
Cho đến giờ phút này, Hạnh Dung nghĩ rằng cả chị và anh đều đã trả đủ, đã xứng đáng có được một tuổi già an lạc.
Theo phụ nữ TPHCM