Thật sự khi nghe Hiền chia sẻ, chính tôi cũng bất ngờ. Bấy lâu nay tôi cứ ngỡ em may mắn khi lấy được một người chồng chuẩn mực, vững kinh tế, biết thương yêu vợ. Nhưng tôi đã lầm, tôi cũng dần hiểu ra câu chuyện khi tiếp tục nghe:
“Chị hãy để ý mà xem, những bức hình em và Tuấn cùng nắm tay nhau, cùng đi ăn món ngon, check in nhà hàng sang chảnh, anh ấy xách túi, mua sắm cho em chỉ được đăng tải vào thời điểm bọn em còn yêu đương hẹn hò thôi. Sau này, khi cưới rồi, một bức cũng không có. Tuấn có còn thương gì em nữa đâu”.
“Vậy vấn đề của em bây giờ là gì?”
“Em muốn bèo dạt mây trôi, ai đi đường nấy. Ai cũng bảo em phải nhẫn nhịn, kiên trì, chồng thế là nhất rồi. Mỗi lần thấy em mệt, em khóc thì mẹ chồng em, mẹ ruột em, chị em gái nhà em lại “bài ca” cũ: Hiền thế là sướng rồi, hồi xưa các mẹ còn cực gấp trăm lần, bố con còn không kiếm được tiền, suốt ngày say sưa bù khú”.
|
|
Hiền thấy chồng không còn yêu thương mình như trước ( Ảnh minh họa) |
Thật ra, câu chuyện tương tự như chuyện Hiền kể tôi đã nghe khá nhiều lần rồi. Và những lời khuyên, phán xét của những bậc phụ huynh cũng không khác nhau là mấy. Trong cách nhìn của họ, nếu làm vợ mà cứ khi nào mệt mỏi, ấm ức lại bô bô kể công kể tội, rồi chia nhiệm vụ, dán nhãn quyền lợi này kia là trật. Đã làm vợ, làm mẹ thì phải luôn nhẫn nại, kiên trì, nhẹ nhàng, hy sinh, chịu đựng.
Trong gần hai năm hôn nhân, đặc biệt là sau khi sinh con, Hiền đã luôn chịu đựng, nhẫn nại đến nỗi phải gồng lên, quên đi nhan sắc, sức khỏe, nhu cầu cảm xúc và tinh thần của mình. Cô đã nghĩ cho chồng quá nhiều mà quên đi việc trân trọng bản thân.
Cô kể, Tuấn ngoài việc kiếm tiền khá, đưa lương tháng đều đặn cho vợ, ít nhậu nhẹt say sưa còn lại anh ta cứ như một vị vua con trong nhà. Tuấn chẳng ngó màng, san sẻ, thấu hiểu gì đến những thua thiệt, vất vả của Hiền. Sau sinh con, sức khỏe giảm sút, cơ quan lại xa, mỗi ngày Hiền phải gần trăm cây số đi về, nhưng khi tối đến, cô vẫn xoay như chong chóng để lo cơm nước, lau dọn nhà cửa, cho con ăn, con tắm… Quần quật, đêm nào đêm nấy cũng gần chín, mười giờ đêm cô mới ngót việc. Sáng mai ra lại gửi con, lại hùng hục lái xe máy vượt đường trường đi làm. Vậy mà Tuấn còn chưa vừa lòng. Cơm canh không đúng ý - cáu, vợ đi tắm con khóc - cáu; Mai có hội nghị, tối nay áo Tuấn, Hiền chưa kịp là ủi - cáu.
“Tại sao lại như thế? Chị nhìn thấy rất nhiều sự vô lý ở đây?”
“Trong thâm ý của chồng em, nhà do anh xây, xe do anh sắm, chi tiêu trong gia đình phần lớn do anh đảm trách nên anh có quyền được… lười và khó tính với em đó chị. Anh luôn đòi hỏi và đòi hỏi, còn em cứ vừa mở miệng ra, chưa nói được câu gì là em đã tủi rồi bật khóc”.
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, trong một mối quan hệ, mình chỉ thua thiệt khi bản thân cho phép người khác đối xử bất công với mình. Hiền từ chỗ nhẫn nhịn đã chuyển thành chịu đựng, từ chỗ cho qua, gắng sức thêm một chút cho êm cửa êm nhà đã vô tình tiếp tay cho thói quen ỷ lại, hạch sách của Tuấn.
Tuấn thiếu tình thương yêu và tinh thần chia sẻ đã đành, Hiền cũng mắc lỗi. Hiền thiếu kỹ năng chia sẻ, nói ra những ấm ức, đau khổ của mình. Hiền hoàn toàn có quyền yêu cầu sự thay đổi, hỗ trợ từ Tuấn. Và đáng ra, việc này nên thực hiện từ lâu, chứ đừng đợi đến lúc tức nước vỡ bờ, bức bách tới mức muốn “xé rào” để vượt thoát.
Nếu như tính Hiền quá hiền, chưa nói đã khóc, chưa thưa hết chuyện đã muốn tránh né thì Lam bạn tôi lại khác. Lam cũng có một người chồng tính tình gia trưởng vì được cưng chiều, cung phụng từ tấm bé. Thế nhưng ngay từ ngày đầu chập chững sống chung, Lam đã cương quyết “đánh phủ đầu”.
Hồi đó, những ngày cuối tuần, Hùng chồng Lam hay đi gặp gỡ, nhậu nhẹt với bạn bè khiến cả nhà luôn phải chừa cơm tối. Mẹ Hùng sẽ lật đật đi gói ghém những thứ gì ngon nhất cho Hùng. Và khi vừa nghe tiếng xe về đến cổng, mẹ đã bảo Lam hâm nóng thức ăn, dọn bàn, dọn bát. Nếu anh không ăn, mẹ lại sai cô cuống cuồng đi vắt nước cam, nước chanh, pha mật ong cho Hùng uống.
Lần đầu cô nghe mẹ. Lần hai cô nghe mẹ. Nhưng đến lần thứ ba khi thấy Hùng chứng nào tật nấy, đi đêm về hôm không báo vắng, còn kiếm cớ ồn ào bảo mẹ và vợ càm ràm, lo lắng phiền phức thì cô tuyên bố: “Anh có việc thì đi, nhưng nhậu nhẹt thì nên có chừng mực. Còn nếu để say sưa thì đêm về đói tự xử lý. Ốm đau sinh bệnh thì trước hết tự chịu. Em sẽ không bao giờ chừa cơm, hay vắt nước cam chanh, chiều chuộng gì mỗi lần anh la cà, đốt thời gian cho những cuộc vui mà em không hề biết”.
Không chỉ việc nhậu, trong cuộc sống hàng ngày, cô cũng dần dần “uốn nắn” chồng thông qua những cam kết và thỏa thuận. Lam chia việc nhà ra. Nếu cô nấu ăn, Hùng rửa chén. Cô lau nhà, anh chơi với con. Lam nói với Hùng, nhà là nhà chung, con là con chung, anh kiếm tiền thì cô cũng kiếm tiền, anh có niềm vui riêng thì bản thân cô cũng cần nghỉ ngơi lúc mệt mỏi. Mối quan hệ vợ chồng muốn bền lâu thì vợ phải có công xây, chồng phải phụ sức vào dựng…
Những lời gan ruột, chí lí chí tình của Lam đã thấm vào Hùng và nhận được sự hợp tác. Hùng từ chỗ 9 phần vụng về 10 phần ỷ lại bây giờ đã trở thành một người chồng, người cha tốt, biết chia sẻ và đáng tin cậy trong gia đình nhỏ của mình. Hùng cũng tự thấy vui khi bản thân dần trưởng thành, "chuyển hóa". Gần đây, anh hay chia sẻ những mẫu chuyện vui, bức ảnh đầm ấm của gia đình lên Facebook cho bạn bè cùng ngắm nghía.
|
|
Hiền cần đi đến một nơi xa nghỉ ngơi, tĩnh tại để nhìn nhận lại mọi đúng sai của cuộc hôn nhân của mình (Ảnh minh họa) |
Riêng với Hiền, từ từ tôi sẽ kể chuyện của Lam cho cô ấy nghe để rút kinh nghiệm. Bởi bây giờ, tôi biết tâm trạng cô còn nhiều bế tắc, bất mãn, cô cần thêm thời gian để tĩnh tại, nghỉ ngơi.
Tôi chỉ hơi lo, khi mà sau rốt, Hiền vẫn chưa nhận ra cốt lõi của vấn đề. Cô hờn giận, muốn chia tay chồng phần lớn chỉ là do cảm xúc tiêu cực, tinh thần mệt mỏi sau nhiều tháng ngày chịu đựng. Trước khi tắt cuộc gọi, cô vẫn hỏi tôi: “Tại em quá mệt và kém sức chịu đựng thôi, chứ chồng em không hề sai gì phải không chị? Nhiều người vẫn nói chồng em tốt, em làm vợ quá sướng, đời phụ nữ còn nhiều người phụ nữ khổ hơn em rất rất nhiều”.
Theo bạn, chồng Hiền có sai gì không? Tôi định trả lời câu hỏi, thì Hiền gác máy mất rồi.
Theo phunuonline